Nội dung này được ông Dự, 62 tuổi, cựu Cục phó Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, trình bày trong phần tự bào chữa, chiều 17/7. Bị cáo là một trong 21 cựu quan chức 7 bộ ngành, địa phương, bị truy tố tội Nhận hối lộ. Trước đó, ông Dự bị VKS đề nghị 9-10 năm tù với cáo buộc nhận 3,1 tỷ đồng của doanh nghiệp khi cấp phép các "chuyến bay giải cứu", năm 2021-2022.

Ông Dự cho biết, được Bộ Công an ủy quyền tại Tổ công tác 5 bộ, "tức là có quyền được ký bất cứ hồ sơ xin cấp phép nào, ngang với anh Tô Anh Dũng tại Bộ Ngoại giao". "Nhưng cáo trạng cũng đã nêu, không có doanh nghiệp nào chủ động đến gặp tôi xin tạo điều kiện hoặc chia sẻ lợi nhuận", ông Dự khai và khẳng định chỉ "vô tình" nhận hối lộ qua cấp dưới Vũ Anh Tuấn.

56-1689663182.jpg
Cựu Cục phó Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự khai "tá hỏa" khi biết số tiền cấp dưới nhận hối lộ nhiều gấp 10 lần số tiền mình được chia. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Dự cho biết, vài lần được Tuấn báo cáo và chia 3,1 tỷ đồng. Khi hỏi về nguồn gốc số tiền, ông được cấp dưới nói là "lộc" của doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu. "Người ta có lời là nghĩ đến anh em thì biếu, chứ không ai nói với tôi là tiền hối lộ", cựu Cục phó Xuất nhập cảnh phân trần.

Một thời gian sau, phát hiện Tuấn nói không đúng sự thật, ông cho biết đã quyết liệt yêu cầu thuộc cấp trả lại tiền cho doanh nghiệp, tổng 2,7 tỷ đồng, dù không biết các chủ doanh nghiệp này là ai. "Tôi sắp nghỉ hưu rồi, không muốn mang tiếng 'chợ chiều mà còn vơ bèo gạt tép'", ông giãi bày.

Giải thích việc không trả lại hết được tiền, ông Dự cho hay, đã đốc thúc Tuấn nhiều lần nhưng cấp dưới luôn chống chế, nói "các công ty tắt máy hết rồi, không liên lạc được", hoặc "doanh nghiệp bảo đáng bao nhiêu đâu, không phải trả gì cả".

Tuy nhiên cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền ông Dự, Tuấn và Vũ Sỹ Cường thuộc Cục Xuất nhập cảnh nhận hối lộ trong vụ án lên tới 31,5 tỷ đồng, gấp 10 lần số tiền Cục phó Dự được cấp dưới chia. Ông Dự thừa nhận, phải khi đọc kết luận điều tra và "đặc biệt khi đọc cáo trạng mới tá hỏa vì cấp dưới đã gian dối".

"Tôi cứ đinh ninh rằng số tiền Tuấn nhận của doanh nghiệp chỉ quanh quanh tổng 7 tỷ đồng", ông Dự nói, cho rằng khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết hành vi của mình "là nhận hối lộ". Ông bào chữa chỉ là "vô tình nhận hối lộ, chứ không phải là biết mà vẫn nhận".

Trong phần khai báo trước đó, ông Dự cho biết công tác 37 năm trong lực lượng công an, có 36 năm 6 tháng "rất sạch", không ngờ vướng lao lý những ngày cuối cùng. Trong vụ án này, ông nhận trách nhiệm, không né tránh. Nếu muốn chối tội, trước khi bị điều tra, ông đã có thể trả lại tiền luôn cho cấp dưới và nói là vay nên trả, chứ không phải nhận hối lộ. "Song sai phạm xảy ra ở đơn vị, tôi là cấp trên, tôi có trách nhiệm gánh cùng anh em", cựu Cục phó nói.

Thuộc cấp của ông Dự tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh là Vũ Anh Tuấn bị cáo buộc Nhận hối lộ nhiều thứ hai toàn vụ án - hơn 27 tỷ đồng, bị VKS đề nghị 19-20 năm tù. Người khác là Vũ Sỹ Cường hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng, bị đề nghị 8-9 năm tù.

Từ con số hưởng lợi này, luật sư của ông Dự phân tích, dù là "sếp" nhưng nhận tiền ít nhất trong ba bị cáo tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh. Việc nhận tiền của ông Dự, theo luật sư là "bị động và phụ thuộc cấp dưới".

'Cấp dưới khai sai vì có thù sâu sắc với tôi'

Tự bào chữa sau ông Dự, bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa) cũng tố cáo bị cấp dưới cố ý làm hại, khai sai trái, đổ tội, do có "tư thù". Bị cáo Tuấn là người duy nhất trong vụ án bị truy tố 2 tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ, mức án đề nghị tổng 15-17 năm.

Trong phần tranh luận chiều 17/7, ông Tuấn khẳng định bị cáo buộc oan cả hai tội.

Về tội Nhận hối lộ, VKS xác định, ông Tuấn đưa 200 triệu đồng cho cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng; 2.000 USD cho Đỗ Hoàng Tùng, cựu Cục phó Lãnh sự và nhiều cựu quan chức khác, tổng 800 triệu đồng. Tuấn cũng bị cáo buộc chỉ đạo nhân viên Phạm Bá Sơn đưa hối lộ 500 triệu đồng cho cựu Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Trước toà, bị cáo Tuấn khai những lần đưa hối lộ này đều không có bằng chứng, mà chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo trên. "Các anh ấy cũng không nhớ mà chỉ nhận cho xong, cơ quan điều tra đưa ra con số nào thì cứ thế mà nhận", ông Tuấn suy diễn khi tự bào chữa.

ttt-1689663225.jpg
Bị cáo Trần Minh Tuấn cho rằng bị nhân viên khai sai, đổ tội do có tư thù sâu sắc với mình. Ảnh: Ngọc Thành

Đối chất việc này hôm 12/7, bị cáo Sơn khai trong tháng 10/2021, Giám đốc Tuấn 3 lần chuyển khoản tổng 600 triệu đồng, yêu cầu rút tiền mặt và chia 2 phong bì ghi "gửi anh Dũng" và "gửi anh Tuyến".

Khi chủ tọa hỏi rõ "Tuyến là Tuyến nào và Dũng là Dũng nào?", Sơn đáp "Anh Đặng Đình Tuyến là thư ký của Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng".

Sơn khai sau đó bỏ phong bì 500 triệu đồng cho ông Dũng và 100 triệu cho Tuyến vào túi nylon đen, mang đến cổng trụ sở UBND Hà Nội gọi điện cho Tuyến ra nhận.

Tự bào chữa chiều 17/7, bị cáo Tuấn khẳng định Sơn khai gian dối, cố tình đổ tội do có tư thù sâu sắc với mình. Cựu giám đốc Công ty Thái Hòa nói trước đây từng rất tin tưởng Sơn, "coi như ruột thịt" và giao phụ trách toàn bộ thu, chi, tài chính công ty. Nhưng Sơn dựa vào sự tin tưởng này để làm những việc "khuất tất".

"Tôi đã nhắc Sơn nhiều lần, công ty cổ phần, không phải của mình tôi, đừng có làm những việc thế nữa. Nếu các cổ đông khác phát hiện ra, họ sẽ không để yên, nhưng Sơn vẫn cố tình tái phạm", ông Tuấn nói.

Để cảnh báo, đầu quý 2/2022, Tuấn cho biết đã dừng việc chi phụ cấp hằng tháng (15-20 triệu đồng) cho Sơn để cảnh cáo, nhưng Sơn vẫn tái phạm. Bị cáo không tin tưởng Sơn nữa và điều vào Nghệ An thực hiện dự án khác. Điều này theo Tuấn, đã khiến Sơn ức chế, bởi nguồn thu chính của Sơn là từ Công ty Thái Hòa.

"Việc tôi không cho Sơn làm ở Thái Hòa đồng nghĩa ngắt nguồn thu của gia đình Sơn, nên gia đình anh ta rất bức xúc", bị cáo Tuấn khai.

Nhưng theo bị cáo Tuấn, "mối thù" sâu đậm nhất khởi nguồn từ tháng 10/2022, khi Tuấn vay tiền của bạn bè nhưng ở xa nên nhờ Sơn nhận giúp và viết giấy nhận tiền. Tháng sau đó, Tuấn bị bắt trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Theo Tuấn, chủ nợ sợ Tuấn không trả nên căn cứ giấy nhận tiền, đến đòi Sơn và ép thế chấp nhà. "Nó gây ra mối thù của tôi với Sơn, rất sâu sắc", bị cáo nói và cho rằng, khi được cơ quan điều tra gọi làm việc, Sơn đã khai sai với hai mục đích: trả thù Tuấn và lập công với cơ quan điều tra.

Đến nay, 48/54 bị cáo trong vụ án đã khắc phục toàn bộ hoặc một phần hậu quả, tổng hơn 134 tỷ đồng và 1,5 triệu USD. Bị cáo Tuấn nằm trong 6 người chưa nộp khắc phục hậu quả.

g-1689663273.PNG
 

Ở tội danh thứ hai, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, VKS xác định Tuấn nhận tiền của một công ty để đi lo lót xin cấp phép chuyến bay, song thực tế chiếm đoạt chi tiêu cá nhân hơn 5 tỷ đồng.

Bị cáo Tuấn thừa nhận không phải cán bộ Nhà nước, không có chức năng nhiệm vụ cấp phép, "nhưng có một sự thương cảm, đồng cảm, nhiệt huyết muốn cứu đồng bào", đó là lý do nhận lời hợp tác và đi xin thủ tục để "giải cứu càng nhiều đồng bào càng tốt", bị cáo phân trần.

"Thế theo VKS cáo buộc, không có chức năng nhiệm vụ thì không được giải cứu đồng bào à? Chúng ta ra đường gặp người hoạn nạn thì phải đợi người có chức năng nhiệm vụ tới giải cứu thì mới được giải cứu à?", cựu giám đốc Tuấn nói.

Tuấn cho rằng VKS cáo buộc cầm tiền của doanh nghiệp mà không làm gì là "hoàn toàn sai". "Ở đây rất nhiều cán bộ nói đã gặp gỡ tôi, đến nhà ăn cơm, đã nhận hối lộ của tôi, và bản chất là công ty đứng ra can thiệp đã được cấp rất nhiều chuyến bay thế mà lại nói tôi không làm gì. Hết sức phi lý".

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của 50 bị cáo và hơn 100 luật sư còn lại.

Theo Phạm Dự - Thanh Loan - vnexpress.net