Trong tháng 1/2020, Vsmart đã bán được 107.498 smartphone, trong khi Apple bán được 90.745 iPhone ở kênh bán lẻ truyền thống.
Theo số liệu thống kê từ GfK vào tháng 1/2020, thương hiệu điện thoại Vsmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chiếm 7,7% thị phần smartphone ở mảng bán lẻ, trong khi Apple chỉ chiếm 6,5% thị phần.
Con số này tương đương với việc Vsmart đã bán được 107.498 smartphone, trong khi Apple bán được 90.745 iPhone trong tháng 1/2020 tại Việt Nam ở kênh bán lẻ truyền thống.
Với kết quả này, Vsmart đã lọt top 4 danh sách hãng smartphone có doanh số tốt nhất ở kênh bán lẻ tại Việt Nam vào tháng 1/2020, còn Apple xếp thứ 5. Ba vị trí dẫn đầu thuộc về Samsung, OPPO, Vivo.
Trong vòng 3 tháng, tính từ tháng 11/2019, Vsmart liên tục duy trì tăng trưởng thị phần từ 5,8% – 6,6% – 7,7%, và đứng top 4 tại thị trường Việt Nam ở mảng bán lẻ, chỉ sau Samsung, OPPO và Vivo. Trước tháng 11/2019, thương hiệu điện thoại của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn chật vật để vượt qua con số 2% thị phần.
Lý giải cho mức độ tăng trưởng bất ngờ này, nhiều chuyên gia cho rằng đó là do VinSmart đã thực hiện chính sách giảm giá 50% cho sản phẩm chủ lực của mình dịp cuối năm 2019, cụ thể là 2 phiên bản Vsmart Live.
Dẫu vậy ở kênh bán online, Vsmart vẫn chưa thể vượt qua Apple. Theo đó, “Táo khuyết” chiếm đến 15,7% thị phần, còn Vsmart hiện chỉ bằng một nửa Apple, tương đương 7,8%, theo số liệu từ GfK.
Nếu tính trên cả 2 kênh là online và bán lẻ truyền thống vào tháng 1, số lượng smartphone bán ra của Vsmart ít hơn so với Apple. (Ảnh: The Verge)
Nếu tính trên cả 2 kênh là online và bán lẻ truyền thống vào tháng 1, số lượng smartphone bán ra của Vsmart ít hơn so với Apple, dù con số này không quá lớn. Cụ thể, Vsmart bán được 125.181 máy, ít hơn 1.157 máy so với Apple – tương đương 0,9%.
Trước đó, người điều hành cao nhất của VinSmart, ông Trần Minh Trung cho biết mục tiêu của VinSmart là chiếm 30% thị phần điện thoại di động tại Việt Nam vào năm 2020. Nhiều người dự đoán, trong tương lai VinSmart có thể sẽ tiếp tục dùng chiến lược ưu đãi giá tương tự để kích cầu mua sắm.