Nhát cuốc vừa bổ xuống, ông lão phát hiện ra một cái hũ sành. Mở cái bát úp trên miệng hũ ông phát hoảng vì thấy có tro trấu, tưởng là huyệt táng của người thời trước. Hóa ra đó là một chum tiền cổ lên tới... 13kg.
 
 
Ông Nguyễn Văn Thái và 13kg tiền cổ đào được trong vườn nhà
 
Cuốc vườn được... 13kg tiền cổ
 
Nghe tin ông đào được cả yến tiền cổ, bất chấp cơn mưa như trút nước, chúng tôi lên đường tìm đến để mục sở thị. Mất mấy bận hỏi thăm, vòng vèo mãi chúng tôi mới tìm được xóm 15, xã Nghi Kiều (Nghi Lộc, Nghệ An). Hỏi nhà ông Thái, một chị khoảng tầm 30 tuổi ló cổ ra trả lời qua màn mưa: “Ông Thái “tiền cổ” phải không. Hai anh em đi mua tiền cổ hả”. Cũng chẳng kịp để cho chúng tôi trả lời, chị “vẽ” đường cho chúng tôi đi.
 
Theo chỉ dẫn của chị, hỏi thêm một ông chủ quán sát cạnh Trường Tiểu học Nghi Kiều 2, vào lạc 2 cái ngõ nữa chúng tôi mới tìm đến được nhà “đại gia tiền cổ” Nguyễn Văn Thái. Căn nhà lụp xụp, bóng tối bao trùm. Gọi mấy bận, ông Thái mới lò dò bước ra. “Cô cậu tìm ai?”, ông hỏi với giọng cảnh giác cao độ. Sau này khi đã tin tưởng ông mới thú thật là do sợ bọn người xấu vào lấy mất số "cổ vật" trên nên ông phải đề cao cảnh giác. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông chạy vào xỏ vội cái quần dài ra tiếp khách.

 
Phần còn lại của chiếc hũ đựng tiền
 
“Nói thật là tui giao toàn bộ số tiền cổ đó cho bà nhà tui cất giữ, không biết bà ấy cất mô (đâu) mà đưa cho anh chị coi (xem)”. Nói thì là vậy nhưng ông vẫn đứng dậy vào trong nhà, lát sau mang cả bì… tiền cổ và một cái bát cạn lòng ra.
 
“Cách đây khoảng tháng rưỡi, trời cũng mưa to như ri, tui vác cuốc ra vườn đào cái rãnh thoát nước. Bổ được mất nhát cuốc thì thấy “keng” một tiếng. Gạt gạt lớp đất thấy lòi ra cái hũ. Lật cái bát úp trên miệng hũ tui phát hoảng vì thấy tro trấu vãi ra. Nghĩ là huyệt táng của người đời trước nên tui kêu vợ mang hương ra thắp tạ lỗi”, ông Thái kể lại câu chuyện ông phát hiện ra hũ tiền cổ.

 
Những đồng tiền được một người chơi đồ cổ phán đoán khoảng hơn 200 năm tuổi nhưng có ý kiến khác cho rằng nó đã hơn 400 năm
 
Đợi hương tàn, ông bàn với vợ bê hũ vào nhà để làm lễ an táng “người ta” cho phải đạo. Ông đẩy bà, bà đẩy ông, chẳng ai dám bê cái hũ sành lên vì sợ làm kinh động đến người đã khuất. Cuối cùng, bà Trương Thị Cúc - vợ ông đánh liều bê hũ sành lên. Cố hết sức bà mới bê được cái hũ lên khỏi hố đất và đưa vào sân.
 
Hũ sành cao chừng 30cm, chu vi chỗ rộng nhất cũng gần 30cm. Bà đánh liều thò tay vào hũ khoắng và phát hoảng bởi tay chạm những vật cứng xếp tròn theo chiếc hũ. Biết không phải huyệt táng, ông bà hợp sức để “móc” vật cứng đó ra nhưng nó dính bết vào nhau không lấy ra được. Nghĩ trong đó hẳn là những thứ quý giá, ông vác búa ra gõ mấy nhát, cái hũ vỡ tan tành, một đống tiền xu rơi ra. Số tiền xu cổ được xác định trọng lượng gần 13kg.
 
 
Đồng xu cổ với 4 chữ Hán
 
“Cái hũ vỡ vợ chồng tui vứt đi rồi, chỉ còn cái bát úp và đống tiền xu này nữa thôi”, bà Cúc tiếp lời chồng. Bát cao 5cm, đường kính miệng 15cm, trôn bát khoảng 8cm được tráng một lớp men mỏng màu xanh ngọc. Phía trên miệng bát có hai đường kẻ song song nhau. Mặt ngoài bát được trang trí bằng 5 “bông hoa” hình tia nắng cũng được tráng men xanh ngọc nhưng lớp men không đều nhau. 


 
Có loại chỉ có 2 ký tự
 
Riêng trong đống tiền xu có 3 loại khác nhau nhưng đều có điểm chung là lỗ hình vuông ở tâm. Loại thứ nhất, một mặt có 4 chữ Hán đối xứng nhau, mặt còn lại không có chữ hay họa tiết. Loại thứ 2, cả 2 mặt đều có ký tự chữ Hán. Loại thứ 3, một mặt có 2 ký tự chữ Hán, mặt còn lại bằng nhẵn.
 
Sau khi ông Thái phát hiện được hũ tiền, anh con trai Nguyễn Trọng Hào đã mang một ít đồng xu ra Ninh Bình, tìm đến một người chơi cổ vật để được hỏi. Theo những ký tự có trên đồng xu, người đàn ông phán đoán số tiền trên có ít nhất hơn 200 năm tuổi. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Bá Ái - một thầy địa lý trong vùng thì số tiền trên ít nhất cũng phải gần 400 năm tuổi.
 
 
Loại thứ 3 có 4 ký tự Hán khác
 
Loay hoay giữ “cổ vật”
 
Theo ông Thái, khu vực nhà ông đang ở thời xưa là nơi đào hồ cho voi của quan nẹp nên có thể hũ tiền cổ trên do những người giữ voi chôn xuống. “Vùng đất này trước đây hoang vu lắm, người ta mới đến lập làng sinh sống khoảng gẩn 100 năm nay thôi. Hồi trước ông cụ nhà tui đào đất làm móng nhà cũng phát hiện nhiều chum sành và một số bát đĩa có hình chim công, cành trúc. Nhưng chẳng hiểu sao đào lên những thứ đó đều bị vỡ cả”, ông Thái cho biết. 

 
Chiếc bát sành tráng men được dùng để đậy hũ tiền
 
Từ hôm nghe tin ông Thái phát hiện được hũ tiền, nhiều người chơi đồ cổ ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu kéo đến xem và xin mua. Thậm chí có người còn mang cả máy dò kim loại đến xin vào vườn nhà ông để tìm kiếm cổ vật!
 
Người đầu tiên trả giá đống tiền cổ trên là một anh đồng nát với định giá ban đầu 8 triệu đồng. Ông Thái cũng không hiểu rõ giá trị của số “cổ vật” mình đang giữ là bao nhiêu nên cũng không dám bán. Đến lần thứ 2, ông khách ở Quỳnh Lưu tìm đến xin xem số “tài sản” của ông bà rồi lắc đầu tiếc rẻ, nếu còn cái hũ, ông sẽ mua cả hũ 100 triệu bởi cái hũ là vật có giá trị nhất nhưng khốn nỗi ông Thái đập vỡ mất rồi. Có người đến ra giá toàn bộ số tiền cổ và chiếc bát sành 30 triệu.

 
Với lớp tráng men phía ngoài không đều nhau và có những "bông hoa" hình tia mặt trời
 
Riêng chuyện cái bát úp trên miệng hũ cũng ly kỳ chẳng kém. Nó được một người khách trả giá 6 triệu đồng để về chơi… xóc đĩa. “Cái bát tôi để trong tủ kính màu đen mà anh ta cũng nhìn ra. Anh ta trả 6 triệu đồng nhưng tôi bảo toàn bộ số “đồ cổ” trên tôi đã cho thằng Hào (người con trai Nguyễn Trọng Hào - PV) nên tùy nó quyết định. Nói đến thế mà anh ta cũng không chịu về, cứ ngồi rải tiền ra giữa bàn đòi mua cho bằng được. Hoảng quá tôi bảo ông Thái gom tiền nhét vào túi người ta và… mời họ về”, bà Cúc kể.
 
Mấy ngày liên tiếp, người đàn ông đó cứ đến năn nỉ ông Thái bán lại cái bát nhưng ông không bán. Không phải ông chê người ta trả ít tiền mà vì ông muốn giữ lại để những người có trách nhiệm kiểm tra, xác định giá trị của toàn bộ số “cổ vật” trên. Chia sẻ với chúng tôi, bà Cúc cho biết: “Chúng tôi coi đây là lộc trời ban nên cũng không muốn bán mà để lại cho thằng Hào, nó muốn sử dụng thế nào thì tùy. Nhưng nếu Nhà nước muốn truy thu số “cổ vật” này để nghiên cứu hay trưng bày thì vợ chồng tôi sẵn sàng đồng ý”.
 

 
Bà Trương Thị Cúc: "Chúng tôi không biết giá trị thực của số đồ cổ trên nhưng nếu Nhà nước muốn thu để trưng bày hay nghiên cứu thì chúng tôi sẵn sàng"
 
Nếu số tiền cổ, bát sành trên xác định được niên đại đúng như ông thầy địa lý phán đoán thì theo số tài sản ông bà đang giữ không hề nhỏ. Với số tiền đó ông bà có thể sửa sang lại căn nhà dột nát hay không phải lo tiền ăn học cho 2 đứa con trong một thời gian. Thế nhưng vợ chồng lão nông này vẫn sẵn sàng hiến tặng cho Nhà nước nếu có nhu cầu. Điều đó còn đáng quý hơn số cổ vật trên.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Kiều cho biết: "Tôi cũng mới nghe người dân đồn đại về việc ông Thái đào được hũ tiền cổ trong vườn nhà ngày hôm qua chứ cũng chưa có thời gian đến xem. Theo tôi biết thì khu vực này ngày xưa có Đồn Kiều do Pháp xây dựng và có khá nhiều địa chủ ở xung quanh đồn. Thỉnh thoảng cũng nghe người dân đào được một ít tiền cổ nhưng hũ tiền đến 13kg thì lần đầu tiên tôi nghe thấy".