Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 7, tổng chuyến bay khai thác của các hãng hàng không đạt 33.238 chuyến, tăng 781,2% so với cùng kỳ năm 2021 và 7,9% so với tháng 6. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đi lại tăng cao của người dân cũng như nhịp tăng trưởng sôi động của ngành hàng không giai đoạn mới.
Cụ thể, tỷ lệ cất cánh đúng giờ của toàn ngành hàng không Việt Nam giai đoạn này đạt 81,8%. Trong đó, tháng 7, Vietravel Airlines dẫn đầu về tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ với 91,9%, tiếp theo là Bamboo Airways với 91,7%, Vietjet Air ghi nhận tỷ lệ đúng giờ là 81% và thấp nhất là Vietnam Airlines với tỷ lệ chỉ đạt 76,3%
Tỷ lệ cất cánh muộn (chậm chuyến) của toàn ngành hàng không là 18,2%. Trong đó, Bamboo Airways có tỷ lệ chậm chuyến là 8,3%, tỷ lệ chậm chuyến ở Vietnam Airlines và Vietjet Air lần lượt là 23,7% và 19%.
Tỷ lệ hủy chuyến của ngành hàng không nội địa trong giai đoạn này là 0,12%, giảm 4 điểm so với cùng kỳ 2021. Trong 3 hãng bay nội địa lớn nhất, Vietnam Airlines có tỷ lệ hủy chuyến lớn nhất với 0,2% chuyến bay bị hủy; Vietjet Air có tỷ lệ hủy chuyến thấp hơn với 0,04%; Bamboo Airways không hủy chuyến bay nào trong tháng 7.
Theo số liệu thống kê, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm chuyến bao gồm trang thiết bị và dịch vụ tại cảng; quản lý, điều hành bay; thời tiết; hãng hàng không; tàu bay về muộn và các lý do khác. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng chậm chuyến của các hãng trong giai đoạn này đến từ việc tàu bay về muộn, chiếm tỷ trọng 77,7%.
Báo cáo cho thấy, thị trường hàng không Việt Nam đang ghi nhận tốc độ phục hồi và bứt phá đáng kinh ngạc sau dịch bệnh. Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới./.