Nhà báo Dương Kỳ Anh - nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong được biết đến là người tiên phong khởi xướng các cuộc thi sắc đẹp uy tín của Việt Nam, với việc cho ra đời cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1988. 

Chia sẻ với Dân Việt, nhà báo Dương Kỳ Anh đã có những đánh giá khách quan về thực trạng "bội thực hoa hậu" trong thời gian gần đây.

phut-mem-long-truoc-nguoi-dep-cua-16583982538501154724115-1658457025.jpg
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh. (Ảnh: NVCC)

"Bội thực" những cuộc thi hoa hậu và sai lầm trong cách gọi tên các cuộc thi

Ông nghĩ thế nào khi năm 2022 được cho là "bội thực hoa hậu" với gần 20 cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ trong nước?

- Thời điểm vừa qua là giai đoạn bùng nổ của những cuộc thi về sắc đẹp. Có thể hiểu được điều này một phần là bởi sau thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cuộc thi không thể tổ chức. Do đó, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát cũng là lúc những cuộc thi diễn ra với số lượng lớn.  

Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc thi, đặc biệt là những cuộc thi lần đầu được tổ chức và vô số những cuộc thi mới khiến cho tình trạng bùng nổ hoa hậu diễn ra. Nhiều người đã nói vui với nhau là "bội thực hoa hậu" hay "ra đường là gặp hoa hậu". 

Đây là một thực trạng rất đáng báo động và cần được xem xét. Bởi lẽ việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu với tần suất và số lượng lớn sẽ dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong công tác tổ chức, chất lượng nhan sắc, tài năng của thí sinh. Bên cạnh đó còn nhiều tranh cãi có thể xảy ra đằng sau những cuộc thi được tổ chức một cách ồ ạt.

Ông có theo dõi các cuộc thi nhan sắc vừa qua và đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh?

- Dù không thể theo dõi tất cả các cuộc thi hoa hậu được tổ chức trong thời gian quan, nhưng tôi cũng theo dõi rất nhiều thông tin về những cuộc thi lớn, có tên tuổi trong việc tìm ra những gương mặt đại diện cho nhan sắc, hình ảnh vẻ đẹp Việt Nam.

Trên cương vị là người tiên phong khởi xướng và tổ chức cuộc thi sắc đẹp danh tiếng dành cho phụ nữ Việt Nam, tôi khá bất ngờ trước cách tổ chức và danh xưng của các cuộc thi sắc đẹp như hiện nay. Bởi lẽ, chỉ có các cuộc thi lớn, mang tầm vóc quốc gia mới được gọi là cuộc thi hoa hậu. Còn lại, những cuộc thi với quy mô nhỏ hơn như quy mô vùng miền thì sẽ được gọi là cuộc thi hoa khôi hay các cuộc thi sắc đẹp dành cho một ngành, nghề cụ thể sẽ được gọi là người đẹp ngành.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất của những cuộc thi hoa hậu và gây ra những hiểu lầm với công chúng trong thời gian gần đây.

Vừa qua, xuất hiện thêm thực trạng một số cuộc thi chấp nhận cả thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí có cuộc thi còn chấp nhận thí sinh 35 tuổi, đã lập gia đình. Ông có cho rằng, điều này sẽ khiến các cuộc thi nhan sắc ngày càng bị giảm giá trị?

- Theo dõi những thông tin này, tôi cho rằng cần có những điều chỉnh, xem xét một cách kỹ lưỡng. Thực tế, trong luật cấp phép và tổ chức các cuộc thi hoa hậu hoàn toàn cho phép thí sinh có thể trên 35 tuổi hay có gia đình. 

Tuy nhiên, quy định này dành cho các cuộc thi tiêu biểu như hoa hậu doanh nhân hay hoa hậu quý bà... Còn lại những cuộc thi lớn, mang mục đích tìm ra vẻ đẹp Việt Nam thì đều không chấp nhận điều này. Do đó, cần có sự xem xét, đánh giá về thể lệ, quy chế, mục đích của các cuộc thi. Từ đó, mới có thể nhận định các cuộc thi này có tổ chức đúng với quy định đề ra hay không.

Về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ với các thí sinh dự thi các cuộc thi nhan sắc, trước đó, đây là điều hoàn toàn không được phép. Hiện nay, có thể một số cuộc thi đã có những quy định mới liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng không nên để tình trạng này xảy ra với những cuộc thi lớn. Bởi lẽ, nhan sắc của hoa hậu là người mang vẻ đẹp biểu trưng, đại diện cho hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam. 

Việc cho phép thí sinh đã phẫu thuật thẩm mỹ tham gia các cuộc thi hoa hậu sẽ làm mất tính khách quan, công bằng của các cuộc thi. Nhiều thí sinh đến từ vùng sâu, vùng xa sẽ không có điều kiện phẫu thuật thẩm mỹ, từ đó không thể cạnh tranh với những thí sinh có điều kiện hơn. Do đó, những cuộc thi nên có quy định về vấn đề này để nhan sắc của các hoa hậu mang vẻ đẹp tự nhiên, hoàn mỹ và khách quan.

hoa-hau-ao-dai-3-1656894231224937311181-16583977410611240008363-1658457070.jpg
Cuộc thi Hoa hậu Áo dài chấp nhận thí sinh tới 45 tuổi. (Ảnh: BTC)

Cần có sự kiểm định trong cấp phép, rà soát chất lượng "hậu" thi sắc đẹp

Các người đẹp, hoa hậu Việt Nam trước kia thường du học sau khi đăng quang, còn hiện nay, đa phần họ đều dấn thân vào showbiz. Ông có buồn trước thực trạng đó?

- Với tôi, đây là thực trạng hết sức đáng buồn. Trước đây, trong vai trò là người tổ chức các cuộc thi hoa hậu, tôi đã chứng kiến rất nhiều người đẹp sau khi đăng quang đã lựa chọn hướng đi du học hay theo đuổi con đường học vấn của mình. Đa số họ sau đó đã trở thành những thạc sĩ, tiến sĩ của năng lực, học thức và kinh nghiệm sống. 

Có thể kể ra một số trường hợp tiêu biểu như hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa, hoa hậu Nguyễn Thiên Nga... Bằng tài năng, vẻ đẹp của mình, những người đẹp này đã có nhiều cống hiến, tạo ra nhiều giá trị chung cho cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, nhiều hoa khôi, người đẹp sau khi thành danh tại các cuộc thi lại lựa chọn làm người nổi tiếng hay dấn thân vào showbiz. Điều này đã tạo ra một tiền lệ mới, thậm chí gây ra nhiều tranh cãi. Bởi lẽ, có nhiều trường hợp vì quyền lực, lợi ích dẫn đến sự mâu thuẫn tranh giành giữa những người đẹp với nhau. 

Thậm chí, còn xảy ra tình trạng một số thí sinh mua bán các danh hiệu để tạo đà cho sự nổi tiếng. Đây là những thực tế đáng báo động đòi hỏi sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ tại những cuộc thi sắc đẹp.

Theo ông, liệu có cần những biện pháp giảm tải và nâng cao chất lượng các cuộc thi nhan sắc trong tương lai?

- Tôi cho rằng, để một cuộc thi về sắc đẹp được tổ chức hiệu quả, đúng với mục đích và ý nghĩa thì trước tiên cuộc thi đó cần được định danh và tổ chức đúng với quy mô, mức độ cho phép. Bên cạnh đó, nên có thêm những quy định, cập nhật bổ sung, siết chặt công tác quản lý liên quan đến hoạt động cấp phép, tổ chức những cuộc thi về nhan sắc.

 Đặc biệt, cần có sự rà soát, quản lý về chất lượng đầu ra của mỗi cuộc thi. Cụ thể, các đơn vị cấp phép cho việc tổ chức những cuộc thi hoa hậu cần có sự thanh tra, kiểm định hậu kỳ sau khi cuộc thi kết thúc. 

Từ đó, có sự khen thưởng, biểu dương hay xử phạt các cuộc thi nếu như công tác tổ chức của các cuộc thi đó thành công hay tạo ra những tranh cãi, dư luận không tốt. Điều này sẽ giúp các cuộc thi đi vào quy củ, hạn chế những bất cập, "bội thực" trong những cuộc thi sắc đẹp đã diễn ra trong suốt thời gian qua. 

Cảm ơn những chia sẻ của ông!