Cụ thể, vào ngày 24/1/2024 vừa qua, ông Trần Báu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản số 475/UBND-NL gửi Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II để trả lời kiến nghị của doanh nghiệp này liên quan đến vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II. Trong đó, thể hiện quan điểm không đồng ý với phương án nhận chìm vật liệu nạo vét ở biển như đề xuất trước đó của doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu thực hiện phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng theo đúng nội dung đã được Bộ TN&MT phê duyệt.
Nạo vét hơn 3 triệu m3 vật chất dưới biển…
Trước đó, qua tìm hiểu PV được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II ở xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II (gọi tắt là VAPCO) làm đơn vị chủ đầu tư. Với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,2 tỷ USD, tức là khoảng 50.600 tỷ đồng, dự án có công suất 1.320MW, đầu tư theo hình thức BOT và hiện tại đang trong giai đoạn thi công các hạng mục công trình.
Trong lộ trình thi công, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II phải tiến hành nạo vét khoảng trên 3 triệu m3 chất nạo vét các loại như: Bùn, cát, sỏi hạt nhỏ, đá, sét… từ dưới biển.
Bởi vậy, thời điểm năm 2019, VAPCO đã xin điều chỉnh phương án nạo vét và xử lý vật liệu nạo vét bằng cách tận dụng vật liệu nạo vét để phục vụ thi công các hạng mục, bao gồm: San nền nhà máy chính với khối lượng khoảng 1,4 triệu m3; cân bằng đào đắp sử dụng khối lượng nạo vét từ khu vực bến cảng và luồng tàu chạy bao gồm cả các khu nước trước bến, luồng và luồng vào cảng khối lượng khoảng 0,3 triệu m3 để lắp hệ thống tuyến ống lấy và xả nước làm mát.
Riêng về phần các chất nạo vét còn lại có khối lượng khoảng 1,7 triệu m3 thì được đổ trên bờ, tại vị trí cách nhà máy chính khoảng 5,5 km về phía Đông Nam để tận dụng việc san lấp mặt bằng cho các dự án đầu tư sau này vào Khu kinh tế Vũng Áng.
Thời điểm đó, nhận thấy nguồn tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt do có hàng loạt dự án, công trình lớn đồng loạt “đổ bộ” về địa phương, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc tận dụng vật liệu nạo vét là nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết đem lại hiệu quả thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội.
Bởi vậy, thay vì phương án chôn lấp hoặc đổ thải nhận chìm vật liệu nạo vét ở biển sẽ gây lãng phí, lúc bấy giờ, địa phương đã chấp thuận vị trí khu vực đổ vật liệu nạo vét trên đất liền của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II tại vị trí khu đất phía bên trái tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến cảng Sơn Dương, cạnh cổng phía xã Kỳ Lợi của dự án Formosa thuộc xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh. Theo đó, khu đất có diện tích khoảng hơn 63ha, với tổng khối lượng khoảng 1,7 triệu m3.
Việc tận dụng vật liệu nạo vét này đã được Bộ TN&MT phê duyệt điều chỉnh Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 132/QĐ-BTNMT ngày 15/01/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại văn bản số 3923/BTNMT-TCMT ngày 15/7/2021.
Đến thời điểm hiện tại, VAPCO mới chỉ thực hiện đổ vật liệu nạo vét lên bờ với khối lượng rơi vào khoảng gần 250.000m3 tại các vị trí đã được chấp thuận. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này có đề nghị bổ sung diện tích để lưu giữ vật liệu nạo vét và các sở, ngành liên quan cũng đã tham mưu bổ sung diện tích khoảng 15ha dựa theo đề nghị của VAPCO. Do vậy, tổng diện tích đất sau khi bổ sung điều chỉnh tăng thêm 6ha so với ban đầu.
Đề xuất bị “bác bỏ”
Qua thu thập thông tin được biết, trong thời gian qua, VAPCO đã liên tục có văn bản đề xuất xin chấp thuận nhận chìm trên biển vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II. Đáng chú ý trong đó, doanh nghiệp này dự kiến nhận chìm ở biển với khối lượng lên đến từ 2.200.973m3 - 2.593.973m3 tùy vào điều kiện thi công thực tế. Khối lượng nạo vét nêu trên nằm ở các hạng mục nạo vét khu vực cửa nhận, cửa xả, vũng quay tàu và luồng hàng hải.
Sau khi nghiên cứu, xem xét cụ thể, đồng thời tham khảo các ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng sự tham mưu kỹ càng của các đơn vị sở, ngành có liên quan, đến ngày 24/1/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra quyết định và có văn bản chính thức số 475/UBND-NL trả lời về việc kiến nghị của Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng II liên quan đến vật chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Cụ thể, theo nội dung văn bản số 475, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu VAPCO thực hiện các nội dung liên quan theo đúng nội dung đã được Bộ TN&MT phê duyệt điều chỉnh Báo cáo Đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 132/QĐ-BTNMT ngày 15/01/2020 và thống nhất điều chỉnh phương án thi công nạo vét và san lấp mặt bằng tại Văn bản số 3923/BTNMT-TCMT ngày 15/7/2021. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, các hệ lụy và quy định có liên quan.
Ngoài ra, địa phương cũng yêu cầu doanh nghiệp này tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra. Trong trường hợp bị chậm tiến độ do doanh nghiệp có nhiều lần thay đổi phương án thực hiện đối với các nội dung liên quan thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định của pháp luật và các nội dung đã ký kết.
Trước đó, theo các chuyên gia đánh giá, phương án nhận chìm vật chất nạo vét xuống biển là hoạt động tương đối nhạy cảm khi dễ phát sinh vấn đề môi trường khó kiểm soát, tiềm ẩn nảy sinh nhiều nguy cơ, hệ lụy khác liên quan. Đáng nói hơn, nếu đồng ý với phương án đó thì sẽ không tận dụng được các chất nạo vét để làm vật liệu san lấp, trong bối cảnh nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương ngày càng cạn kiệt như hiện nay.
Do vậy, việc yêu cầu VAPCO tiếp tục thực hiện thu hồi toàn bộ khối lượng vật liệu nạo vét từ kênh nhận nước làm mát, kênh xả nước làm mát và khu nước trước bến, khu quay tàu của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II bằng biện pháp thi công phù hợp để sử dụng làm vật liệu san nền nói trên của chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Không những vậy, còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng thay vì sử dụng vật liệu san lấp thay thế khác…