Với vị ngọt, thơm đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng, cam Thượng Lộc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng được thương hiệu riêng. Các khách hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh tìm mua cam Thượng Lộc chủ yếu để bày mâm ngũ quả, làm quà biếu hoặc để ăn trong dịp Tết.

Là loại cam đặc sản nức tiếng từ lâu ở miền Trung, vào mỗi dịp giáp Tết, cam Thượng Lộc luôn khan hiếm hàng. Toàn xã Thượng Lộc có 230 ha diện tích trồng cam, trong đó hơn 150 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các thôn: Nam Phong, Thanh Mỹ, Sơn Bình, Anh Hùng.

hh-1706085402.jpg
Sở hữu đồi cam đẹp nhất nhì xã Thượng Lộc, thời điểm này gia đình Phan Văn Thanh đang đón nhiều thương lái vào mua hàng.

Ông Phan Văn Thanh (SN 1962), trú tại thôn Anh Hùng, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, gia đình ông bắt đầu hình thành mô hình trồng cam gần 40 năm trước.

Trải qua nhiều khó khăn, thất bại trong việc trồng cam, đến nay bằng sự đúc rút kinh nghiệm và được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật. Được các phòng nông nghiệp huyện và xã  hướng dẫn thì vườn cam của gia đình ông Thanh được chứng nhận VietGAP từ năm 2016 và cuối năm 2019 chính thức được UBND Hà Tĩnh chứng nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

io-1706085424.jpg
Đặc sản cam Thượng Lộc được mùa, được giá nên bà con đều phấn khởi.

Gia đình ông Thanh trồng khoảng 1.200 gốc, năm nay được mùa, cho tổng thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí khoảng 20%, gia đình thu về hơn 1 tỷ đồng. Chủ vườn cho biết vòng đời cây cam từ 18-25 năm là phải trồng lại do cây yếu dần. Tuy nhiên, với kỹ thuật chăm sóc phù hợp, những gốc cam “cổ thụ” vẫn cho quả trĩu cành với vị thơm, ngọt đặc trưng.

Đồi cam của gia đình ông Thanh đặc biệt hơn với nhiều gốc cam “cổ thụ”, cao 7 m, chi chít quả. “Vườn cam gia đình tôi có một vài cây được ngành nông nghiệp tỉnh kiểm tra, chọn là cây đầu dòng. Đây là giống cam quả to, mọng nước, sản lượng 1,5-2,5 tạ/cây. Nhờ áp dụng những công nghệ chăm sóc hiện đại, hữu cơ nên giống cam đặc sản này không những tăng về diện tích, giữ được hương vị nguyên bản mà còn nâng cao năng suất. Vụ Tết năm nay, gia đình tôi trừ chi phí cũng lãi hơn 1 tỷ đồng”, ông Phan Văn Thanh phấn khởi nói.

po-1706085450.jpg
Cam Thượng Lộc là giống cam đặc biệt thơm ngon, ngọt, được mệnh danh là một trong những cây đặc sản ở Hà Tĩnh.

Nhờ giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe, quả cam Thượng Lộc được nhiều du khách biết đến. Nhiều khách hàng nhận xét, họ thích thưởng thức những trái cam Thượng Lộc và có ấn tượng rất đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Trạch, một hộ dân trồng cam tại xã Thượng Lộc chia sẻ, để có được sản phẩm ngon, đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn, ngoài trồng cam chanh, người dân còn tập trung hướng trồng cam giòn. Người dân địa phương tuân thủ kỹ thuật trồng, giảm sử dụng các vi lượng hoá học chủ yếu tập trung cho phân hữu cơ. Đảm bảo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phục vụ tốt cho người tiêu dùng mang đến thương hiệu cam Thượng Lộc nổi tiếng khắp nơi và được nhiều du khách yêu thích.

a-1706085500.jpg
Mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thượng Lộc.

Đầu ra của sản phẩm khá ổn định, giá tăng so với năm ngoái khoảng 5.000 đồng/kg. Theo đó, từ đầu vụ bình quân cam chanh được bán với giá 35.000 đồng/kg. Riêng cam giòn thời điểm hiện nay giá dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg. Ước tính tổng nguồn thu nhập từ cam năm nay của xã Thượng Lộc đạt gần 50 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tối, ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc chia sẻ: "Cây cam Thượng Lộc từ lâu nổi tiếng với vị ngọt, thơm mát, màu sắc đẹp. Cam Thượng Lộc có vị ngọt đặc trưng nên được thị trường ưa chuộng. Toàn xã hiện có với hơn 600 hộ trồng trên diện tích hơn 230 ha. Nơi đây nổi danh với đặc sản cam giòn, cam chanh. Năm nay được giá, được mùa nên bà con địa phương ai cũng đều phấn khởi”.