Người lao động khó tìm công việc phù hợp ở quê nhà
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk, thời gian qua có khoảng 170.000 người địa phương trở về từ các tỉnh thành phía Nam để tránh dịch. Trong đó, có khoảng 130.000 người trong độ tuổi lao động.
Mặc dù số lượng người lao động (NLĐ) rất đông nhưng việc kết nối việc làm tại Đắk Lắk còn gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó bản thân nhiều NLĐ chưa thực sự mặn mà với thị trường lao động ở quê nhà.
Anh Nguyễn Hồng Nam (32 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) là kỹ sư tin học tại TPHCM. Vừa qua, khi TPHCM mở cửa, anh đã dẫn vợ con về Đắk Lắk sinh sống. Ban đầu, anh dự tính sẽ kiếm công việc ở quê nhà để tiện bề chăm sóc cho bố mẹ đã lớn tuổi.
Tuy nhiên, qua tìm kiếm tại nhiều công ty, đơn vị trên địa bàn tỉnh, anh đều không tìm thấy được việc làm phù hợp và nhận thấy mức lương được trả khá thấp.
"Nghề của tôi có nhiều đặc thù riêng và luôn mong kiếm được nơi làm việc phù hợp, có thể phát triển bản thân. Do đó, tôi không chọn quay về quê mà vẫn lựa chọn quay lại TPHCM", anh Nam chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Minh (35 tuổi, ngụ huyện Krông Năng) từng có trên 10 năm công tác trong ngành may mặc tại một nhà máy ở tỉnh Bình Dương. Vị trí tổ trưởng mang về cho chị mức thu nhập khá.
Về quê tránh dịch khi nhà máy tạm ngừng hoạt động, chị Minh cũng tham khảo hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tuy vậy, cả quy mô lẫn mức lương đều không được như chị mong đợi.
"Tôi từng dự định nếu ở Đắk Lắk có công việc phù hợp tôi sẽ xin về đây làm hẳn. Nhưng qua tìm hiểu, tôi tính quay lại Bình Dương để làm việc, công ty trong đó chỉ tạm ngừng hoạt động", chị Minh nói.
Một đại diện Ban quản lý Cụm công nghiệp Tân An (TP Buôn Ma Thuột) cho biết, đa số các công ty, doanh nghiệp trong khu công nghiệp ít tuyển lao động từ phía Nam về thời gian qua vì e ngại dịch bệnh tiềm ẩn. Nếu bùng phát dịch sẽ ảnh hưởng đến cả công ty. Bên cạnh đó, quy mô của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hoạt động cầm chừng trong thời điểm đang dịch bệnh nên không có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động.
"Một số lĩnh vực cần lao động trình độ cao, nhưng doanh nghiệp vẫn lo yếu tố dịch bệnh nên rất thận trọng. Không chỉ vậy, trong cụm công nghiệp có khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ" khép kín, phục vụ sản xuất nên không tuyển thêm NLĐ từ nơi khác về", vị đại diện cụm công nghiệp thông tin.
Doanh nghiệp địa phương thiếu cơ chế "hút" lao động
Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Lắk (Trung tâm), trong tháng 10 vừa qua, có hơn 1.300 lao động đăng ký tìm việc làm mới thông qua Trung tâm. Nhu cầu làm việc trong tỉnh khoảng 1.000 người, nhu cầu làm việc ngoại tỉnh hơn 300 người .
Hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp đã liên hệ với Trung tâm để tuyển khoảng 8.000 người (trong đó tuyển chủ yếu lao động phổ thông với gần 7.000 người). Tuy số lượng người lao động từ các tỉnh về nhiều nhưng công tác giới thiệu việc làm gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với PV, ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đắk Lắk - cho biết, qua khảo sát ý kiến của một số lao động khi đến Trung tâm để được tư vấn, giới thiệu việc làm thì họ cho rằng mức lương ở Đắk Lắk thấp so với nơi làm việc cũ.
Theo ông Lý, nếu mức lương cơ bản của một lao động từ các tỉnh phía Nam tổng thu khoảng trên 8 triệu đồng/tháng kể cả tăng ca, các chế độ khác... trong khi các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ chi trả mức lương cơ bản từ 3,5-4 triệu đồng/tháng.
"Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh chưa nhiều, quy mô nhỏ. Khi dịch bùng dịch phát đã thu gọn quy mô hoạt động. Nhiều lao động cũng bày tỏ môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, mỗi người lao động có thể phải kiêm nhiều khâu khác nhau… Đặc biệt, nhiều NLĐ chưa sẵn sàng tham gia thị trường lao động vì còn e ngại về tính bền vững của việc làm nên rất thận trọng", ông Lý cho hay.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, các doanh nghiệp trong tỉnh chưa có cơ chế để thu hút lao động có kinh nghiệm đã làm việc ở các công ty lớn, khu công nghiệp của các tỉnh phía Nam để về làm việc tại đơn vị mình, nên việc kết nối lao động của Trung tâm gặp không ít khó khăn./.