Sáng 11/11, trong phiên đăng đàn của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có 10 phút để giải trình, làm rõ thêm về làn sóng người lao động rời TP.HCM và các tỉnh phía Nam về các địa phương.
“Làm sao cho người lao động quay trở lại để giải quyết câu chuyện phục hồi sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho công nhân cũng như gia đình họ", là vấn đề được Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đặt ra.
Nhiều lãnh đạo tỉnh sẵn sàng bỏ chi phí đón lao động trở lại
Với 1,3 triệu lao động vừa dịch chuyển, Phó thủ tướng phân chia theo từng nhóm. Thứ nhất là người lao động có hợp đồng chính quy, tương đối ổn định và dài hạn, làm việc ở các doanh nghiệp lớn, đặc biệt khu chế xuất, khu công nghiệp.
“Trong đợt dịch vừa qua, số lao động này ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một phần Long An vẫn được doanh nghiệp trả một phần lương nên tỷ lệ quay lại tương đối tốt. Những người chưa muốn quay lại phần nhiều do muốn chuyển dịch lao động”, ông Đam phân tích.
Hai là những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, lao động thời vụ. Số này khi dịch đến thì người thuê lao động không có cam kết dài hạn, không biết khi nào quay lại.
Ba là lao động tự do, số này ở miền Nam, đặc biệt ở TP.HCM rất lớn. Thứ tư là những người đi theo.
“Tôi đã đi tất cả khu vực dịch lớn, có rất nhiều người nhà vào trông con, trông cháu cho người lao động đi làm. Số này không phải lao động chính thức nhưng cũng phải giải quyết”, Phó thủ tướng lưu ý.
Ngoài nhóm lao động làm việc ổn định trong doanh nghiệp lớn, ông Đam đặc biệt quan tâm đến chính sách giải quyết cho những nhóm lao động còn lại.
Giải pháp đầu tiên, theo Phó thủ tướng, là phải kiểm soát dịch tốt, vì tâm lý người lao động sợ nhất là quay lại làm rồi rơi vào vòng phong tỏa nếu dịch bùng phát.
“Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết trong một tháng tới đây để kiểm soát dịch tốt”, ông nhấn mạnh.
Tiếp đó, Phó thủ tướng nói rất cần phải mở cửa lại trường học, nhất là mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ ở bậc học này. Theo ông, đây không phải chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết cho lao động.
Về phía người lao động, ông cho biết khi quay trở lại, họ muốn được hỗ trợ về nhà trọ trong một thời gian; và với sự can thiệp, phối hợp của chính quyền, những người thuê lao động dù lớn hay nhỏ, vẫn trả một phần lương khi có dịch.
Với giải pháp ở tầm Trung ương, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc rà soát tất cả quy định về phòng, chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 phát sinh trong doanh nghiệp phải linh hoạt.
“Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Anh phải lo cho công nhân chứ đừng làm hình thức, khi có ca nhiễm thì đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền”, ông Đam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cho rằng cần đưa ra một số quy định có tính chất tạm thời nhưng thiết thực cho doanh nghiệp, ví dụ xem xét quy định tạm thời về số giờ làm việc.
Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò quan trọng của địa phương trong việc chủ động kết nối giúp người lao động quay trở lại bằng cách đưa đón, chủ động tiêm vaccine, cung cấp thông tin chi tiết. Ông cũng chia sẻ nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí để đưa người lao động quay trở lại.
Cần gói hỗ trợ riêng cho người lao động trở lại
Nhìn rộng ra, không tính các nước lớn, nước phát triển, Phó thủ tướng nhận định tất cả quốc gia đang ở trong tình trạng giống Việt Nam.
“Thái Lan, Malaysia cũng lâm vào tình trạng này với việc thiếu gần 1 triệu lao động. Họ còn phải có kế hoạch mở cửa cho lao động nước ngoài vào, còn chúng ta chưa phải đối mặt với cái đó, chỉ mở ra cho các tỉnh khác đến”, Phó thủ tướng nêu thực tế.
Dẫn chứng bài học từ các nước khi có gói hỗ trợ cho người lao động quay trở lại, Phó thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các địa phương xem xét có gói hỗ trợ riêng cho người lao động trở lại làm việc và người nhà đi theo để trông con họ.
Về lâu dài, ông đề cập giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân. Thực tế chống dịch vừa qua cho thấy có những khu công nhân tập trung quá đậm đặc, gây khó khăn cho chống dịch.
Cùng với đó là việc từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chỗ có giá trị gia tăng cao hơn.
Sau phần giải trình của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các thành viên Chính phủ khác từ nay đến sáng 12/11 phải trả lời rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan cho tình trạng làn sóng lao động dịch chuyển và trách nhiệm quản lý Nhà nước thế nào khi để dân đi về tự phát 3 đợt cùng lời cam kết tới đây có để tái diễn tình trạng này nữa không.
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra giải pháp giải quyết thiếu hụt lao động ở nơi rời đi và sinh kế lao động ở nơi đến.
“Đây là vấn đề đại biểu, cử tri rất quan tâm và đòi hỏi phải có câu trả lời thỏa đáng”, ông Huệ nhấn mạnh./.