Mong Bộ trưởng đã hứa thì sẽ trở thành hiện thực

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) gửi đến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung 2 câu hỏi. Thứ nhất là "Bộ trưởng có chia sẻ gì về gánh nặng đối với doanh nghiệp khi áp dụng phương thức "3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến"?.

202111102016350103pham-van-hoa-dong-thap-1-1636599734099203635280-1636603199.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp)

Nêu thực trạng nhiều lao động phi chính thức, lao động tự do, người lao động không đăng ký tạm trú phản ánh chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều người trong khu phong tỏa, cách ly, nhà trọ, ngõ hẻm chật hẹp than vãn bị thiếu đói, nhất là ở các đô thị lớn...ông Hòa đề nghị Bộ trưởng chia sẻ vấn đề này cho cử tri biết.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hòa về vấn đề áp dụng mô hình "ba tại chỗ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước Việt Nam thì Singapore và Indonesia từng áp dụng. Bắc Ninh, Bắc Giang là các địa phương đầu tiên áp dụng mô hình này, sau đó đến một số địa phương khác.

Theo Bộ trưởng, Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc "an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế, lựa chọn mô hình phù hợp.

"Tôi rất đồng cảm là quả thực mô hình ba tại chỗ chỉ đúng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, trong thời gian ngắn. Bởi chi phí mô hình này quá lớn", ông Dung nói.

2553988459236525185470145382859143594805400n-1636535448968831952128-1636603232.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Về tình trạng nhiều lao động tự do, lao động không đăng ký tạm trú phản ánh chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều người trong khu phong tỏa, cách ly, nhà trọ, ngõ hẻm chật hẹp than vãn bị thiếu đói, nhất là ở các đô thị lớn... Bộ trưởng Dung thừa nhận quá trình triển khai, do điều kiện giãn cách, số lượng phục vụ cùng lúc lớn, yêu cầu gấp gáp nên thực hiện còn có khiếm khuyết.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát để những người chưa nhận hoặc chậm nhận, sớm được tiếp cận chính sách", ông Dung khẳng định.

Giơ biển tranh luận, ĐB Phạm Văn Hòa đánh giá, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trả lời rất cụ thể các vấn đề mà ông quan tâm. Đối với đối tượng còn lại hiện nay chưa được hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa tới như đã đề cập, ông Hòa bày tỏ "Mong Bộ trưởng đã hứa thì sẽ trở thành hiện thực", vì các đối tượng này rất mong chờ.

Lao động TPHCM bỏ về quê không chỉ một mà ba lần, trách nhiệm ở đâu?

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?. Có sự lúng túng, bị động không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch?. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, Bộ có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành.

202111102016350259tran-dinh-gia-ha-tinh-1-16365996758461709722657-1636603281.jpg
ĐB Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, "làn sóng" lao động rời bỏ TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần với khoảng 3 triệu người.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ tranh thủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri.

"Chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này. Thứ hai là giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Quan trọng hơn nữa là qua việc này chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo.

111vdh-16365995423471072274586-1636603329.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nêu vấn đề "Chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường?" - Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta không được chủ quan, cần phải thảo luận về các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới như thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên.

"Trách nhiệm của Trung ương và cả địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về và cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào?. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ tử vong do COVID-19

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có chủ trương giao MTTQ Việt Nam phối hợp với TP.Hồ Chí Minh và các địa phương có liên quan tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh do dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam bằng hình thức trực tuyến kết nối với một số tỉnh thành phố.

"Đây cũng là vấn đề được một số Đại biểu Quốc hội quan tâm, đề xuất. Đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐTBXH phối hợp với MTTQVN, TP.HCM và các địa phương tổ chức thật tốt" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.