Theo báo cáo về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2022, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi 19,5 triệu sinh mạng, chiếm khoảng 1/3 tử vong do mọi nguyên nhân. Một thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh tim mạch đang gia tăng nhanh chóng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp (chiếm 75% tổng số tử vong), trong đó có các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) và Việt Nam.

zz-1699318381.jpg
Khám sàng lọc bệnh lý về tim mạch cho hơn 200 trẻ em huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Ảnh: IT

Theo thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong ở nước ta. Hiện có khoảng 25% người Việt trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Thông tin từ Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng từ 10-20%. 10 năm trước, mỗi năm bệnh viện làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân thì hiện nay đã tăng trung bình 15%/năm. Đặc biệt, trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng và có nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 được ghi nhận.

j-1699318406.jpg
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, thì nay đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.

Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…, thì nay đã xuất hiện ở những người 30-40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi. Đáng lưu ý, có đến 44,3% người 25-74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi.

Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì và sẽ dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

“Trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch”, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền lý giải.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổng hợp từ các nghiên cứu gần đây, không khí ô nhiễm có mối liên quan đến khoảng 1/4 các trường hợp tử vong do bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Việc phải tiếp xúc với những vật chất nhỏ như giọt bắn hay bụi mịn trong khí thải từ ô tô, xe máy, nhà máy điện, công trường xây dựng và các nguồn ô nhiễm khác thường xuyên và lâu dài, sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ khoảng 10-20%.

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam thông tin thêm, các yếu tố môi trường như: Bụi, tiếng ồn, stress hay hậu Covid-19 cũng được tính là yếu tố nguy cơ mới xuất hiện ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Thế nhưng, kiến thức chung để chủ động phòng, chống bệnh tim mạch của đa số người dân còn thiếu. Hơn nữa, nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh là gì, không chủ động điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện). Thêm vào đó, việc khám sức khỏe định kỳ cũng chưa được chú ý.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam chia sẻ: Trước đây, nhiều bệnh nhân tim mạch nước ta phải ra nước ngoài chữa bệnh. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến về bệnh lý tim mạch, tương đương các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, người dân đã có cơ hội tiếp cận các thành tựu khoa học tiên tiến ngay trong nước mà không còn phải ra nước ngoài điều trị với chi phí cao.

lk-1699318433.jpg
Quản lý bệnh suy tim có thể coi là nấc thang đưa Bệnh viện Vinmec nhận chứng chỉ của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC - American College of Cardiology) về quản lý bệnh lý Suy tim và Mạch vành. ACC cũng đồng thời công nhận Vinmec là Trung tâm xuất sắc (COE) về Tim mạch đầu tiên tại Châu Á. Ảnh: Vietnam+

Cùng với việc cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lý tim mạch, các chuyên gia tim mạch cũng đề cao công tác phòng bệnh. Hầu hết các bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và có thể can thiệp giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng một cách chủ động thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân, duy trì thói quen tốt, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe thường xuyên. Các chuyên gia tim mạch đưa ra 8 lời khuyên cho một trái tim khỏe, đó là kiểm soát cân nặng; không hút thuốc lá, thuốc lào; không ăn nhiều mỡ động vật; không ăn mặn; đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày; hạn chế uống rượu bia; tránh lo âu, căng thẳng; kiểm tra thường xuyên huyết áp, rối loạn đường huyết, rối loạn lipid máu…