Nghệ thuật Khmer cháy bỏng trong tim

Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê, sinh năm 1955, ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ngay từ nhỏ, ông Danh Bê đã được ông ngoại Danh Bại, chú ruột Danh Biên và cha ruột Danh Cui truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ và trình diễn các điệu múa, bài hát Khmer,.... Ông Danh Bê được chú Danh Biên hướng dẫn các vai diễn múa Chằn được 7 năm thì được lên đóng vai chính Hoàng Tử, sau đó được giao đóng giả vai nữ, rồi vừa học vừa đóng vai diễn hề tại Đoàn văn nghệ Khmer xã Định Hoà.

Sự truyền dạy của thế hệ đi trước, niềm đam mê nghệ thuật Khmer của bản thân đã hun đúc, chăm bồi tình yêu nghệ thuật Khmer trong trái tim Danh Bê ngày một lớn dần lên. Chính vì vậy, ông được biết đến là người sử dụng được nhiều loại nhạc cụ Khmer và sáng tác nhiều kịch bản, dạy múa Khmer nhất trong những người am hiểu nghệ thuật Khmer ở địa phương.

Năm 1972, ông tham gia Đoàn văn nghệ Khmer xã Định Hoà. Năm 1976, ông tham gia Đoàn văn công Khmer tỉnh Kiên Giang.

Năm 1978, Danh Bê rời Đoàn văn công trở về địa phương sinh sống. Trở về với cuộc sống đời thường với bao lo toan vất vả bủa vây gia đình nhưng tình yêu nghệ thuật Khmer vẫn luôn cháy bỏng trong con người ông và trong lòng ông. Từ đó, ông đã vận động, tập hợp một số anh em, con cháu có năng khiếu và yêu thích hát nhạc Khmer trong ấp Hòa Thiện thành lập đội văn nghệ của ấp. Ông Danh Bê trực tiếp sáng tác kịch bản, dạy các điệu múa Rờ băm, Dù kê, Sarawone, múa gáo, múa dằm; sáng tác chuyển lời Khmer sang hát lời Việt: Lambada, Kiên Giang quê hương tôi, Về thăm Kiên Giang, Nhớ ơn Bác, Tình Bác sáng mãi, Chiếc áo nàng sa rết, Vui ngày hội,… cho từng người và tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Điều đáng mừng là tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực,… đội văn nghệ do ông lãnh đạo đều đoạt giải cao.

Giữ “lửa” nghệ thuật truyền thống

Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê cho biết, năm 2000, đoàn văn nghệ Dù kê xã Định Hòa được thành lập, do ông làm Trưởng đoàn, thành viên nòng cốt của đoàn văn nghệ Dù kê xã Định Hòa là con cháu, dâu, rể trong gia đình, gồm 39 thành viên, mọi người thường gọi với cái tên trìu mến, thân thương “Gánh hát gia đình”, “Gia đình tài tử”,... và có lẽ, đây là gánh hát có một không hai trong tỉnh Kiên Giang làm nghệ thuật. Để có đạo cụ, trang phục phục vụ biểu diễn cùng chi phí đi lại, gia đình ông đã phải lần lượt bán đất để lo chi phí. Bà Thị Đen, vợ ông cho biết, trong gần 30 năm hoạt động nghệ thuật của ông ấy đã tiêu tốn mất của cô “10” công đất ruộng rồi đấy. Tôi ngạc nhiên hỏi: Thế có khi nào bà giận ông không? Lúc đầu cũng có giận đấy, sau rồi thương vì biết ông ấy hi sinh vì nghệ thuật nhằm bảo tồn văn hoá nghệ thuật của dân tộc Khmer của quê hương mình.

Hằng ngày, vào mỗi buổi tối từ 7 giờ đến 9 giờ ở trước sân nhà Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê truyền dạy cho con cháu nghệ thuật hát Dù kê, diễn chằn ra sao, làm thế nào để lột tả được vai công chúa; hướng dẫn rất kĩ cho các cháu động tác của những điệu múa truyền thống dân tộc như Sarikakeo, Sa-vông,… sao cho đúng, sao cho có hồn, đậm đà bản sắc của đồng bào Khmer. Mỗi buổi tập như thế đều cuốn hút bà con trong ấp đến xem gia đình ông tập dượt. Tiếng đờn, lời ca của gánh hát gia đình ông, cộng thêm tiếng vỗ tay không ngớt của bà con làm một vùng quê thêm rộn ràng vui vẻ.

Trong gánh hát gia đình ông, con cái, dâu, rể, cháu, từ nhỏ đến lớn đều đoàn kết, hăng hái, nhiệt tình, hăng say với nghệ thuật truyền thống của người Khmer, trong đó có nhiều em còn là học sinh.

mn-1720017678.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê truyền dạy múa gáo cho con cháu

Chia sẻ với phóng viên, em Danh Huỳnh Thi, học sinh lớp 7 cho biết, em rất thích múa nên mỗi khi ông dạy múa, hát, biểu diễn, em đều nỗ lực luyện tập cho thuần thục, để thể hiện sâu đậm bản sắc của nghệ thuật dân tộc. Không chỉ vậy, em còn tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường và một số cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Trong Liên hoan văn nghệ hưởng ứng “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam” năm 2021 tại tỉnh Hậu Giang, em đoạt giải diễn viên xuất sắc.

Mặc dù đã lớn tuổi nhưng Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê vẫn tích cực tham gia sáng tác, dàn dựng các tiết mục hát múa Khmer cho các con cháu. Một năm nghệ nhân sáng tác được khoảng 50 bài hát Dù kê, mỗi vở tuồng tập 6 tháng. Để có chi phí trang trải cho hoạt động của gánh hát gia đình, Danh Bê thường xuyên nhận các “sô” biểu diễn của các cá nhân, cơ quan, chùa Khmer, các lễ hội, lôtô…trong và ngoài tỉnh. Ông cho biết, thu nhập tuỳ vào sô diễn cũng đủ chi phí đi lại chứ không có dư.

Nỗi niềm trăn trở

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, cho biết, ở Kiên Giang, trong lĩnh vực nghệ thuật thì Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê là tiêu biểu và “đặc biệt”. “Đặc biệt” ở chỗ, cả gia đình đều làm nghệ thuật mà không có bất cứ sự xích mích nào. Điều đó cho thấy các thành viên trong gia đình Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê rất đoàn kết và yêu nghệ thuật, cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

lk-1720017710.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê đang hướng dẫn động tác múa cho các con cháu

Từ khi thành lập đến nay, gánh hát gia đình Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê thường xuyên tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh Kiên Giang tổ chức, và đều đoạt giải cao. Năm 2019, ông Danh Bê được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Tháng 4/2024, ông vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn, giữu gìn phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc tại địa phương. Trước đó, ông còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND các cấp.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Nghệ nhân Ưu tú Danh Bê vẫn canh cánh bên lòng những trăn trở, lo âu, bởi những điệu múa Rô băm, Dù kê,… truyền thống của đồng bào Khmer đứng trước nguy cơ ngày càng mai một, nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện cuốn hút giới trẻ khiến họ không còn mặn mà với những điệu múa Rô băm, Dù kê,... Ông Danh Bê cho rằng, mỗi chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nó để nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình được lan toả sâu rộng trong cộng đồng. Để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc thành lập nhiều đội văn nghệ Khmer, được hỗ trợ về nhạc cụ, âm thanh và có những chính sách kịp thời để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nếu không, sẽ khó bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer.