Từ lúc còn nhỏ, bà Trương Thị Hoa đã được sống trong sự mượt mà, sâu lắng của những làn điệu dân ca Dao Thanh Y qua những lời ru, tiếng hát ngọt ngào của bà và mẹ.

Lên 10 tuổi, bà được mẹ và bà ngoại dạy hát páo dung (dân ca Dao). Lớn lên, bà Hoa càng đam mê hát vì hiểu hơn lời hay, ý đẹp ẩn chứa trong dân ca, dân vũ của dân tộc Dao.

Bà Hoa cho biết: “Những câu hát dân ca Dao rất thú vị và đặc sắc. Nó là mạch nguồn để làm nên bản sắc của người Dao. Chính vì thế tôi thích lắm. Những lúc rảnh rỗi, tôi cũng hát, những lúc đi làm hay đi công việc tôi cứ ngân nga những câu hát và cứ thế dần dần thuộc làu làu”.

sss-1720575767.jpg
Trang phục của dân tộc Dao.

Những điệu hát giao duyên làm say đắm lòng người đã trở thành ngọn nguồn đam mê và gắn bó máu thịt với nghệ nhân Trương Thị Hoa. Hiện nay, bà Hoa thuộc rất nhiều các bài dân ca, với nhiều thể loại khác nhau như: Hát trong nghi lễ cấp sắc, hát trong đám cưới, hát đối đáp, hát giao duyên, hát uống rượu,…

Cũng theo bà Hoa, hát dân ca Dao cần có những kĩ thuật cơ bản như: Vang, rền, không chỉ đòi hỏi tròn vành, rõ chữ, mượt mà, sâu lắng mà còn phải có kĩ thuật ngân, luyến láy, ngắt câu. Một lời ca của dân tộc Dao thường có hai phần: Lời chính và lời phụ. Lời chính là phần cốt lõi phản ánh nội dung của bài hát, lời phụ gồm tất cả những tiếng nằm ngoài lời ca chính, là tiếng đệm, tiếng đưa hơi bổ sung ý nghĩa cho lời ca, làm cho tiếng hát trôi chảy, lời ca phong phú, linh hoạt. Ngoài biên dịch và sưu tầm về các làn điệu, câu hát của dân tộc Dao, bà Hoa còn tích cực tham gia việc khôi phục các lễ hội, tập tục truyền thống, bản sắc của dân tộc Dao, để gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc Dao.

Dưới nếp nhà sàn truyền thống, vợ chồng bà Hoa cùng nhau giáo dục con cái về ngôn ngữ của dân tộc Dao. Bắt đầu từ việc làm đơn giản là giữ gìn thứ ngôn ngữ của dân tộc, sau đó là trang phục, có khi bà Hoa còn may hàng chục bộ quần áo truyền thống của người Dao để tặng mọi người. Tiếp đến về ẩm thực, những món ăn đặc trưng của dân tộc mình, như xôi ngũ sắc cũng được bà tỉ mỉ chỉ dạy các con cháu cách làm. Bà luôn trăn trở suy nghĩ, tuổi đã cao, phải dành thời gian truyền dạy, sưu tầm lại cho lớp trẻ vì nếu để văn hóa truyền thống mất đi là có lỗi với tổ tiên.

Nghe bà hát, nhìn bà thêu từng đường kim mũi chỉ mới có thể thấu hiểu hết được cái tâm với văn hóa dân tộc Dao của nghệ nhân. Bà Hoa tiết lộ, ngoài hát bà còn tự sáng tác những bài hát đối, hát giao duyên.

Có thể nói, cả cuộc đời nghệ nhân Trương Thị Hoa gắn bó với hát dân ca Dao. Ngay cả trong những lúc vất vả, thiếu thốn, gánh nặng cơm áo, dẫu tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Trương Thị Hoa vẫn thêu thùa và ngồi hát say sưa; vẫn cần mẫn từng ngày để truyền dạy và bảo tồn phong tục tập quán của dân tộc mình.