a-1667267482.jpg
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện

Trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến có nhiều phức tạp: Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện tại xã Xuân Thành, Lăng Thành, Phúc Thành, Liên Thành; bệnh Cúm gia cầm H5N1 tại xã Hoa Thành; bệnh Viêm da nổi cục xảy ra tại các xã Phúc Thành; bệnh LMLM xảy ra tại xã Công Thành, Mã Thành, Phúc Thành... Bên cạnh đó, đến nay tỷ lệ tiêm phòng vắc xin vụ Thu đạt tỷ lệ rất thấp: THT trâu bò đạt 15,2%, THT lợn 11,76%, DTL lợn 12,14%, dại chó 21,58%, gia cầm đạt 20,26%; số người bị chó nghi dại cắn phải đi tiêm phòng từ đầu năm đến nay là 308 người.

Nguyên nhân tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp là do: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác tiêm phòng, sự lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn có hiện tượng tiêm phòng đối phó, khoán cho thú y; Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; chưa có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp không thực hiện tiêm phòng dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt quá thấp so với tổng đàn hiện có. UBND huyện phê bình các đơn vị tổ chức triển khai tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp (dưới 80% tổng đàn trong diện phải tiêm phòng).

Để kịp thời chấn chính công tác tiêm phòng vắc xin vụ Thu năm 2022, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn và Trưởng các phòng ban, ngành liên quan triển khai có hiệu quả nội dung Công văn số 1805/UBND-NN ngày 08/9/2022 của UBND huyện về việc tập trung triển khai tiêm phòng vắc xin vụ Thu năm 2022 và tăng cường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. UBND các xã, thị trấn.

- Đánh giá lại vai lãnh đạo, chỉ đạo của UBND các xã, thị trấn trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm và đặc biệt là trách nhiệm của Trưởng ban, các thành viên ban chỉ đạo tiêm phòng của xã còn để các đơn vị (khối/xóm) mình phụ trách tỷ lệ tiêm phòng chưa đạt yêu cầu.

 - Trực tiếp xuống xóm/khối, phối hợp rà soát số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng; chỉ đạo quyết liệt, tiến hành tiêm phòng triệt để số gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ ít nhất 80% tổng đàn. Lập sổ theo dõi tiêm phòng gia súc, gia cầm đã tiêm phòng, gia súc, gia cầm chưa tiêm để thông báo trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn, xóm/khối cho dân biết và thực hiện.

- Thường xuyên giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, báo cáo kịp thời cho UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện) để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dịch trong diện hẹp.

- Trường hợp chủ vật nuôi không thực hiện tiêm phòng lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ và Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ, kiên quyết xử lý đối với các chủ vật nuôi không thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tiêm phòng năm 2022 và đánh giá công tác tham mưu, công tác lãnh đạo, sự vào cuộc từng thành viên của ban chỉ đạo công tác tiêm phòng. Xã nào tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp thì Chủ tịch UBND xã phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

- Ngoài ra đối với các xã đang có dịch Cúm gia cầm, LMLM, Viêm da nổi cục, có chó nghi dại cắn người và các vùng nằm trong vùng nguy cơ cao tổ chức khẩn trương tiêm phòng vắc xin (Cúm gia cầm, LMLM, Viêm da nổi cục,dại chó), phun tiêu độc khử trùng bao vây, khống chế trong diện hẹp.

- Đối với các xã được phân bổ vắc xin Cúm gia cầm H5N1, LMLM và hóa chất:

+ Cử cán bộ tiếp nhận vắc xin Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và hóa chất được hỗ trợ phòng chống dịch.

+ Tổ chức tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa lũ do ảnh hưởng bão số 4, đúng mục đích, đối tượng và hoàn thành trước ngày 10/11/2022.

+ Hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán và nộp hồ sơ về Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp và vỏ lọ trước ngày 15/11/2022.

( Có phụ lục phân bổ vắc xin, hóa chất và toàn bộ nội dung văn bản được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử)

2. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

- Cử cán bộ trực tiếp làm việc với UBND các xã, thị trấn để đôn đốc thực hiện tiêm phòng đồng thời lập biên bản xác định nguyên nhân dẫn đến tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp.

- Tổng hợp, báo cáo những hạn chế, nguyên nhân dẫn đến các địa phương tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp cho UBND huyện (qua phòng Nông nghiệp và PTNT).

- Tiếp nhận và cấp phát vắc xin, hóa chất được hỗ trợ cho các xã được phân bổ. Hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, kiểm tra, giám sát tốt quá trình sử dụng vắc xin đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả; hướng dẫn hồ sơ và hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán theo đúng quy định. Chịu trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vắc xin, hóa chất được hỗ trợ.

3. Phòng nông nghiệp và PTNT.

- Kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức, thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, đàn chó đạt hiệu quả cao; giám sát việc sử dụng vắc xin, hóa chất được cấp đúng mục đích, đối tượng.

- Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND huyện để xử lý kịp thời. 

UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Trưởng các phòng, ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc./.