j-1708052758.jpg
 

Chẳng đâu như sông Lam, nơi tôi đã có những chiều hun hút gió cùng người bạn của mình rong ruổi dọc bờ sông, nơi tôi đã biến thành trẻ thơ hí hửng ngắt những bông hoa dại đang nằm soi bóng nước, nơi tôi đã trầm ngâm đứng nhìn từng con sóng tan ra trong cái lạnh một chiều đông từ một góc cầu Bến Thủy…, để rồi thấy mình nhỏ bé biết bao trước dòng sông ngàn tuổi, thấy mình im ắng biết bao trước tiếng rì rào mải miết, thấy mình nông nổi nhường nào trước những ngọt ngào và mặn chát phù sa…

“Khí thiêng tụ về”

Có những cơ duyên đưa đẩy con người đến một vùng đất vốn xa lạ để rồi trở nên máu thịt. Xứ Nghệ với tôi là như vậy. Một người con gái đất Bắc, từng háo hức với những chuyến đi, từng nghĩ cuộc đời là những chuyến đi. Tôi đã choáng ngợp khi bắt gặp núi rừng hùng vĩ Tây Bắc, đã rơi nước mắt khi nhận thấy nỗi buồn mênh mang cứ trải dài trên sóng nước miền tây Nam bộ. Nhưng chỉ đến Nghệ An là tôi có cảm giác thân thuộc như được về nhà. Và mỗi chuyến đi của tôi đến xứ Nghệ giống như một chuyến trở về.

Chẳng hiểu sao tôi muốn gọi xứ Nghệ bằng cái tên Hoan Châu xưa cũ. Thời Bắc thuộc, vào đầu thế kỉ thứ VIII dưới sự đô hộ của nhà Đường, Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa, sau đó lên ngôi vua, xưng là Mai Hắc Đế. Khởi nghĩa Hoan Châu (năm 713) đã mang lại độc lập tự chủ cho Nhân dân trong suốt hơn mười năm. Gắn liền với đất Hà Tĩnh ngày nay, Hoan Châu thời Lý Thái Tổ là một trong hai mươi tư lộ của cả nước. Cái tên Hoan Châu đã đi vào lịch sử và cả những áng thơ văn, những bản nhạc nổi tiếng. Một bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhắc đến Hoan Châu với những mô tả về dòng Lam đẹp như mơ: “Nước trời như the như lụa, Hoan Châu ngày ấy”. Nghe Anh Thơ hát “Mái chèo thiên thu” trong một chuyến xe đò về xứ Nghệ, tôi đã nương mình vào giai điệu bài hát để rồi thấy trập trùng thời gian đang mở ra trước mắt, đưa tôi trở về với sông Lam những năm tháng xa xưa.

Bắt nguồn từ Thượng Lào, Lam Giang có chiều dài hơn 500 km, trong đó có đến 390 km nằm trên đất Nghệ An. Vậy nên nói đến sông Lam là nói đến Nghệ An. Cùng với núi Hồng, sông Lam đã trở thành biểu tượng của linh khí xứ Nghệ. Đất Nghệ khô cằn sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt, gió Lào bỏng rát. Sông chính là nguồn nước tưới mát lành, giúp cân bằng địa khí. Trần Mạnh Hảo trong bài thơ “Sông Lam” đã mô tả sông như một con người thầm lặng bao dung: “Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/ Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi”. Nhưng cũng chính dòng Lam dù oằn mình trên dải đất “tằn tiện ngô khoai” ấy đã “nuôi lớn những thiên tài”, và sông vẫn xanh mát, trăng vẫn “cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn”…

Người ta nói mỗi con sông là nguồn mạch của vùng đất đó, và như nhạc sĩ Phó Đức Phương viết trong “Mái chèo thiên thu”, là nơi “khí thiêng tụ về”. Chẳng những là long mạch của vùng đất, sông còn chất chứa những trầm tích bao đời của lịch sử, văn hóa, của những linh thiêng đời sống con người. Là con sông lớn nhất của xứ Nghệ, dòng Lam đã từng chứng kiến bao thế hệ người dân nơi đây vượt lam lũ, gian khó, vượt qua cả những tai ương của thiên nhiên và chiến tranh, để vẫn có thể sống một cách vui vẻ, lạc quan, lãng mạn, tài hoa và kiên cường. Tôi đã từng theo bạn đến thăm quê Bác, chúng tôi cũng từng đến tận các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An như Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương. Các vùng đất ấy đều có sông Lam chảy qua. Và có lẽ bởi vậy mà khi đặt chân đến, tôi có cảm giác như con người và cảnh vật nơi đây đều tươi tắn, hiền hòa. Mỗi lần nhìn thấy Lam Giang thanh bình chảy qua những bản làng, tôi lại hình dung nó như một người mẹ lặng lẽ dõi theo và vun vén cho những đứa con trong từng bước thăng trầm…

“Ước hẹn còn lưa”

Sinh thời, bố tôi thường nghe những bản nhạc trữ tình viết về quê hương, trong đó ông thích nhất bài “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ thơ Lê Huy Mậu. Cũng là người con của vùng đất Thanh Chương, Lê Huy Mậu đã có một trường ca thật đẹp về quê hương. Đoạn thơ viết về dòng sông quê của ông trở nên nổi tiếng khi được nhạc sĩ tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, người con của mảnh đất Diễn Châu, thổi vào đó những giai điệu.

Và mỗi khi nghe “Khúc hát sông quê”, tôi lại nhớ dòng sông quê mình đất Bắc. Nhưng tôi cũng nhớ đến sông Lam, quê hương của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Lê Huy Mậu và bao nhạc sĩ, thi sĩ Nghệ An. Quê hương của người bạn đã cùng tôi lang thang khắp các huyện miền Tây xứ Nghệ, cùng tôi đứng trên cầu Bến Thủy một chiều đông ngắm những con sóng lao xao, cùng tôi đi dọc ven đê từ Vinh về Cửa Hội đôi khi chỉ để nhìn ánh bạc lấp lánh trên sông vào những hoàng hôn diễm lệ. Tôi hiểu vì sao bố tôi từng nghe đi nghe lại bài này không biết chán: ông cũng nhớ quê mình sau quá nửa đời người tha hương.

Có lần tôi cùng bố vào Nghệ An. Hai bố con được người bạn của tôi đưa đến Nam Đàn rồi sau đó là Thanh Chương. Xe bật nhạc, đúng bài hát bố tôi yêu thích nhất. Tôi quay sang nhìn, thấy ông trầm ngâm dõi ra ngoài cửa ô tô, nơi sông Lam đang bình yên chảy dưới cầu Dùng. Tôi tự hỏi chẳng biết ông đang nghĩ về Lam Giang hay về con sông quê mình, nơi ông đã xa mấy chục năm từ ngày học đại học. Rồi tôi tự trả lời, có lẽ dòng sông nào cũng là sông quê khi con người coi mảnh đất đó là nơi thân thiết với lòng mình. Như tôi với Lam Giang cũng vậy.

Ngày còn là sinh viên ở Hà Nội, đến kỳ thực tập, không cần suy nghĩ đến nửa giây tôi chọn luôn Nghệ An làm nơi đến thực tập. Những năm sau đó, vào mùa hè tôi thường vào Vinh ở cả tháng trời. Chẳng có ngõ ngách, quán xá hay ho nào tôi chưa từng biết. Bạn đưa tôi đi mọi nơi. Trên chiếc xe đạp, chúng tôi đã cùng nhau đi khắp thành phố. Nhớ nhất những đêm mùa thu nồng nàn mùi dạ hương và hoa sữa, những tối quảng trường cùng nhau đi bộ dọc các vuông cỏ mới trồng.

Sau này, tôi từng sống ở Vinh một quãng ngày dài để viết bài. Tôi viết về những cây thị cổ thụ ở Nghi Lộc, về Ví Giặm làng Sen, về ca trù Cổ Đạm (Hà Tĩnh), về xóm cửu vạn ga Vinh, về nhiều họa sĩ, nhà thơ, nhà văn xứ Nghệ… Có lẽ chẳng ở đâu như đất Nghệ, luôn cho tôi cảm giác vui vẻ bình yên và biết ơn tất cả. Cảnh xứ Nghệ đẹp, người xứ Nghệ nặng ân tình.

Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Một số nghệ sĩ Nghệ An tôi từng gặp để viết bài nay đã không còn, như nhà thơ Thạch Quỳ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ… Họ đã về với sông Lam, họ đã trở nên mênh mang và bất tận như sông Lam hòa vào biển. Có những ngày trở lại bên dòng Lam, tôi nhớ đến lời của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Ông nói với tôi khi còn là một đứa trẻ theo cha đi thuyền, ông đã khóc khi nhìn thấy ánh trăng lấp loáng trên mặt nước. “Bỗng dưng bác thấy buồn khôn tả, không hiểu vì sao. Chỉ thấy đêm, thấy trăng, thấy sông Lam lúc ấy buồn thăm thẳm”. Rồi ông trầm ngâm hát câu Ví quê mình, giọng hát run run nhưng tràn cảm xúc: “Ơ… Chứ anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở. Chứ anh đến bến đò thì đò đầy đò đã sang sông. Chứ đến duyên em thì em đã có chồng. Anh yêu em như rứa, hỏi có mặn nồng chi lắm không”…

Nhiều năm về trước, trên những chiếc thuyền xuôi từ chợ Rạng Thanh Chương đến chợ Thượng bên Hà Tĩnh, những người trai người gái của hai bên tổng sông Lam cùng nhau xuôi chèo buôn tơ bán lụa. Nhưng dường như phiên chợ vào ngày rằm và công việc buôn bán ấy chỉ là cái cớ cho một cuộc thi, đúng hơn là một cuộc chơi: hát Ví Giặm. Hai thuyền song song trên sông, tiếng hát đối đáp vọng cả đôi bờ, hòa vào làn nước êm đềm của dòng Lam ngàn tuổi. Theo người cha mê Ví Giặm, người tham gia sáng tác lời ca cho hội hát trên thuyền, đi dọc sông Lam trong những ngày rằm ấy, cậu bé 6 tuổi thích thú vô cùng. Nhưng có những đêm, nằm dưới đò nghe hát, thấy buồn quá cậu cứ khóc. Ánh trăng loang loáng rọi xuống làn nước sông Lam, bóng những người trai người gái đổ xuống thuyền như bóng những nỗi buồn. Điệu Ví đò đưa kéo lòng người trở về với những ngày xưa cũ, nơi dường như thời gian không tồn tại, chỉ trơ lại đó một nỗi sầu khôn nguôi. Cậu bé Tuệ cảm nhận được nỗi buồn ấy và khóc. Sau này trong ca khúc “Mơ quê”, người nhạc sĩ đã diễn tả lại nỗi niềm này: “Thuyền về chợ Rạng thuyền xuôi, nghe câu đò đưa sông Lam khắc khoải về nỗi chờ đợi ai…”.

jj-1708052806.jpg
 

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn có một người chị cả hát Ví rất hay. Chị không đẹp nhưng có duyên. Chị nuôi tằm, những lúc làm việc, tiếng hát cứ thế cất lên trên nương dâu, trênph cánh đồng mênh mông vời vợi. Có những chàng trai cũng đến hát đối đáp. Tiếng hát của chị vừa trong trẻo vừa thiết tha đã dẫn dắt những giai điệu của Ví Giặm neo vào hồn cậu em trai. Cậu bé đã sống một tuổi thơ ngọt ngào như vậy, với Ví Giặm. Để sau này, khi đã trở thành một nhạc sỹ tên tuổi, khi tóc đã bạc trắng trên đầu, ông vẫn hát điệu Ví năm nào như thể gần một thế kỷ chưa từng trôi qua.

Tôi dự định đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tại tư gia của ông ở Hà Nội vào những năm cuối đời ông nhưng rồi không kịp nữa. Tôi cũng từng muốn đưa bố trở lại quê Bác, rồi đến Thanh Chương lễ đền Bạch Mã, ngắm sông Lam từ cầu Dùng, cầu Rộ, cũng không kịp nữa rồi vì bố đã đi xa. Tôi từng hứa sẽ cùng người bạn của mình, người đã cùng tôi lang thang khắp xứ Nghệ, người đã chờ tôi trên chuyến tàu từ Hà Nội trong những sớm mờ sương ga Vinh, sẽ rong ruổi cùng nhau trên nhiều vùng đất mới. Nhưng tôi đã lỡ hẹn với tất cả mất rồi.

l-1708052866.jpg
Hát dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trên sông Lam.

Thời gian không chờ đợi ai. Nó tuột trôi khỏi chúng ta từng phút từng giây. Duy chỉ có sông Lam vẫn cần mẫn ở đó dịu dàng, cần mẫn ở đó cuộn sóng. Duy chỉ có sông Lam vẫn luôn đợi những người con xứ Nghệ trở về, đợi cả những kẻ xứ khác tha hương đã bắt gặp và yêu xứ Nghệ như nơi chôn nhau cắt rốn. Dòng sông nhỏ đất Bắc đã đón bố tôi vào lòng, nhưng dòng sông xứ Nghệ đã từng réo rắt trong tâm trí ông những ngày xưa cũ. Nếu như mỗi con sông đều là những mạch nguồn nuôi dưỡng một vùng đất thì trong đời sống cũng có một mạch nguồn như thế, vô hình nhưng gắn kết. Đó là mạch nguồn của thi ca, âm nhạc, nghệ thuật, đó là mạch nguồn của những yêu thương, chia sẻ, bao dung, mạch nguồn của những nghĩa tình sâu nặng. Nó kết nối ta với đất trời, với tha nhân. Nó khiến tâm hồn ta trở nên xao động và nồng nàn mến thương như những gợn sóng miên man bất tận.

Và bởi vậy, ta biết rằng đâu đó giữa đất trời này vẫn luôn có một nơi, một người, một dòng sông nào đó chờ đợi mình. Như Nguyễn Tài Tuệ từng nói trong bài “Mơ quê”: “ước hẹn còn lưa”. Khi còn ước hẹn, nghĩa là còn yêu thương, còn hy vọng.