Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 25/10 dẫn lời AMTI cho hay, tàu thuyền Trung Quốc đã quấy rối các tàu dân sự ở những mỏ dầu khí của Malaysia trên Biển Đông hàng ngày trong suốt 2 năm qua.

my-lo-luat-hai-canh-moi-cua-trung-quoc-lam-leo-thang-tranh-chap-o-bien-dong-1635221051.jpg
Tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Theo Greg Poling, Giám đốc AMTI thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, hải cảnh Trung Quốc đang hướng tới “kiểm soát” cụm bãi cạn Luconia, nơi công ty dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia có một số mỏ dầu và khí đốt. Ông Poling nói, lực lượng Trung Quốc đã quấy rối các tàu tham gia “bất kỳ hoạt động thăm dò hoặc khoan mới nào” tại đây.

Cụm bãi cạn Luconia là một vùng biển gồm nhiều đảo nhỏ và rạn san hô, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế khoảng 400km mà Malaysia tuyên bố chủ quyền ở phía nam Biển Đông. Khu vực cách bờ biển Bintulu ở Sarawak khoảng 200km này là nơi tọa lạc của mỏ khí đốt Kasawari, ước tính trữ lượng  gần 85 tỷ m3, đang được Petronas khai thác.

Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nhận định, sẽ có thêm nhiều tàu thuyền Trung Quốc "xâm phạm" vùng biển Malaysia chừng nào Petronas còn khai thác ở Kasawari.

Trong một thư điện tử hồi đáp các câu hỏi của trang This Week in Asia, Giám đốc AMTI nói, các tàu Trung Quốc "đang hành xử một cách nguy hiểm và cố ý tạo nguy cơ va chạm" để ngăn cản các tàu tiếp tế đang phục vụ các giàn khoan của Malaysia. Theo ông Poling, nếu các tàu Malaysia không lùi bước, Trung Quốc sẽ điều động một tàu khảo sát đáy biển bất hợp pháp trong lãnh hải Malaysia dưới sự hộ tống của “một đội đông đảo tàu dân quân biển và một số lượng tàu hải cảnh ít hơn".

Trong năm nay, Chính phủ Malaysia đã 2 lần triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur tới để phản đối các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ngoài ra, theo ông Poling, hải cảnh Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu quấy rối các hoạt động khai thác của Indonesia tại mỏ dầu khí tại khu vực lô Tuna ở Natuna. Trước đây, hai nước thường xuyên đụng độ vì quyền đánh bắt cá quanh quần đảo Natuna, một vùng biển giáp ranh với Biển Đông.

Ông Poling thông tin thêm rằng, các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở vùng nước nói trên từng ít thường xuyên hơn so với khu vực Malaysia tuyên bố có chủ quyền, vì không có các rạn san hô quan trọng mang tính biểu tượng trong khu vực. Song, tình hình đã thay đổi trong những tháng gần đây và hải cảnh Trung Quốc bắt đầu “quấy rối hoạt động khai thác của Indonesia tại lô Tuna giống như cách họ đã quấy rối các hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong nhiều năm”./.