Ngày 19-10, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông 2021 (còn gọi là S.1657), nhắm đến việc trừng phạt các cá nhân, thực thể Trung Quốc liên quan những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Từ phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016

Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông năm 2016 đã làm nức lòng những lực lượng đấu tranh cho hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và sự duy trì, thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Tuy vậy, đã có không ít hoài nghi về tính khả thi của việc thực thi phán quyết. Lý do là Trung Quốc (TQ), bên bị kiện, cũng là quốc gia thường xuyên không tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển, đã bị tòa phán quyết rất bất lợi.

Theo phán quyết, có ba nội dung rất đáng chú ý: (i) Không có cơ sở pháp lý để TQ yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn; (ii) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng. Tòa cũng quyết định rằng các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất; và (iii) Về vấn đề làm trầm trọng thêm tranh chấp, tòa nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của TQ gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà TQ đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, và phá hủy các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên (và do vậy các hoạt động của TQ làm trầm trọng thêm các tranh chấp trên Biển Đông).

anh-p16thien-hwhd-1635115614.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ảnh: AFP

Với các lý do nêu trên, trong một hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2016 với sự tham gia của rất nhiều học giả nổi tiếng nghiên cứu về Biển Đông trên toàn thế giới, gồm cả các học giả TQ, các nội dung của phán quyết cũng như tính khả thi của việc thực thi chúng đã được thảo luận một cách kỹ càng. Hầu hết học giả tham gia hội thảo đều đồng ý rằng có nhiều cách để thực thi phán quyết, ví dụ các cường quốc trên thế giới có thể căn cứ vào phán quyết để ban hành các đạo luật trừng phạt về kinh tế và ngoại giao đối với tất cả hành động trái với phán quyết và vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Tới Đạo luật Trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông

Mỹ là quốc gia luôn tuyên bố trung lập trong các tranh chấp trên Biển Đông và chỉ quan tâm việc bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và việc thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Tuy nhiên, cần hiểu thấu đáo khái niệm “trung lập” trong các tranh chấp trên Biển Đông của Mỹ. Luật pháp quốc tế quy định rằng các tranh chấp giữa các quốc gia về lãnh thổ và biển cần được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình, nếu như không thể giải quyết được qua thương lượng thì có thể đưa ra phân giải ở một tòa án quốc tế theo đúng thẩm quyền.

Với các quy định như vậy trong luật pháp quốc tế, Mỹ đã luôn tìm cách hỗ trợ một cách gián tiếp các quốc gia xung quanh Biển Đông, bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp trong vùng biển và đảo của họ bằng cách cung cấp và thảo luận về các bằng chứng chủ quyền của các quốc gia này. Ví dụ, vào năm 2014, một học giả người Mỹ là Raul Pedzoro đã xuất bản một cuốn sách được thực hiện bằng tài trợ của chính phủ Mỹ, trong đó tác giả phân tích thấu đáo những bằng chứng chủ quyền, từ đó kết luận rằng các bằng chứng của Việt Nam là mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các bằng chứng mà TQ và Philippines nắm giữ. Tuy nhiên, mặc dù có những nghiên cứu như vậy, Mỹ vẫn chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để đứng về một bên trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Tình hình đã hoàn toàn thay đổi sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài. Phán quyết đã bác bỏ những tuyên bố chủ quyền sai trái của TQ trên Biển Đông và cung cấp cho Mỹ những cơ sở pháp lý đáng mơ ước để vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền sai trái này. Hơn nữa, những hoạt động phi pháp của TQ trên Biển Đông nhằm vô hiệu hóa phán quyết còn cung cấp thêm cho Mỹ những cơ hội thậm chí tốt hơn để có những hành động xác quyết. Không chỉ ở Biển Đông, phán quyết Biển Đông và các hành động trái pháp luật của TQ trên biển Hoa Đông đã tạo cơ sở pháp lý để Mỹ trừng phạt TQ cả trên biển Hoa Đông.

Sau một loạt công hàm và những tuyên bố của các quan chức ngoại giao, quân sự Mỹ lên án TQ vi phạm luật pháp quốc tế, cưỡng ép, bắt nạt các nước khác xung quanh Biển Đông, ngày 19-10 vừa qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông (Đạo luật S.1657). Đây là dự luật lưỡng đảng hiếm hoi do TNS Cộng hòa Marco Rubio và TNS Dân chủ Ben Cardin đồng chủ trì. Việc cả hai đảng ủng hộ dự luật đã chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong việc ngăn chặn sự bành trướng trái pháp luật của TQ trên biển.

Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc thế nào?

Đạo luật S.1657 trừng phạt các cá nhân và tổ chức của TQ tham gia các hoạt động liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như áp dụng với các vấn đề liên quan khác. Đạo luật quy định tổng thống Mỹ phải phong tỏa tài sản và từ chối cấp hoặc tước thị thực với các cá nhân, tổ chức của TQ đóng góp vào các dự án phát triển trong các phần biển có tranh chấp với các quốc gia ASEAN; hoặc tham gia vào các hoạt động hay các chính sách đe dọa hòa bình, ổn định trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và tại các vùng biển trong biển Hoa Đông đang được Nhật hoặc Hàn Quốc quản lý.

Đạo luật cũng cấm các tổ chức Mỹ đầu tư vào hoặc bảo hiểm cho các dự án liên quan tới các tổ chức bị trừng phạt trong hai biển nêu trên. Đạo luật cũng bắt buộc tổng thống Mỹ phải cấm và hạn chế các giao dịch tài chính thông qua các tài khoản liên quan tới các tổ chức bị trừng phạt nếu Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia xác định rằng TQ có những hành động vi phạm, bao gồm tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông; bồi đắp các khu vực tranh chấp khác trên Biển Đông; giành quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây; triển khai tên lửa đất đối không đến các đảo nhân tạo mà TQ chiếm đóng và xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa (của Việt Nam); thiết lập đường cơ sở thẳng bao quanh các đảo Trường Sa; tái diễn việc quấy nhiễu tàu thuyền Philippines; khiêu khích lực lượng của Nhật và Mỹ tại biển Hoa Đông.

Cơ quan xuất bản của chính phủ Mỹ không được xuất bản các tài liệu, bản đồ, hồ sơ… trong đó có các vùng biển hoặc đảo tranh chấp được xem là thuộc chủ quyền của TQ. Bộ Quốc phòng, các tàu thuyền mang cờ Mỹ và các máy bay Mỹ không được thực hiện các hoạt động có ngụ ý thừa nhận tuyên bố chủ quyền của TQ với các vùng biển, đảo đang có tranh chấp. Bộ Ngoại giao Mỹ phải thường xuyên báo cáo cho Quốc hội các quốc gia thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của TQ với các vùng biển và đảo đang có tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông; loại trừ một số ngoại lệ, một số loại viện trợ sẽ không được cấp cho các quốc gia như vậy.

Sau khi được Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ thông qua, đạo luật sẽ được trình lên Thượng viện Mỹ và nếu được thông qua, nó sẽ tiếp tục được chuyển tới Hạ viện Mỹ xem xét. Nếu được lưỡng viện thông qua, đạo luật sẽ là một công cụ rất hiệu quả để Mỹ, các đồng minh của Mỹ và các quốc gia khác xung quanh Biển Đông, biển Hoa Đông sử dụng để đối phó với TQ.•

(*) PGS-TS Vũ Thanh Ca hiện là giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Rõ ràng và có lợi cho các quốc gia xung quanh Biển Đông

Trái với các quy định mập mờ trong luật pháp của TQ, các quy định trong Đạo luật trừng phạt ở Biển Đông và biển Hoa Đông rất rõ ràng, mạch lạc; chỉ rõ tất cả hành động vi phạm của các cá nhân, tổ chức TQ trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Do vậy, cả về mặt pháp lý và ngoại giao, đạo luật này có thể hỗ trợ các quốc gia xung quanh Biển Đông đấu tranh chống những hành động sai trái của TQ trong vùng biển và đảo của mình. Đạo luật cũng giúp ngăn chặn những hành động vũ trang, gây căng thẳng và tạo nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông để đóng góp, tạo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”./ .