Theo đó, tại Thông tư số 70/2024/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định nguồn thu gồm: Thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, bao gồm nguồn trích chi phí quản lý dự án và nguồn thu khác từ dự án được giao quản lý. Thu hợp pháp khác của Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án (BQLDA) theo quy định, bao gồm thu từ hoạt động tư vấn cho các dự án khác, và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước cấp (nếu có).
Phân chia nguồn thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA đối với dự án được giao quản lý: Căn cứ vào nội dung, khối lượng công việc, trách nhiệm giữa chủ đầu tư và BQLDA, Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư quyết định tỷ lệ phân chia khoản thu quản lý dự án giữa chủ đầu tư và BQLDA (nếu có) và chịu trách nhiệm về nội dung này.
Đối với nguồn thu từ chi phí của dự án được giao quản lý, các khoản thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí và các khoản khác của ngân sách nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và pháp luật có liên quan: Chủ đầu tư, BQLDA mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước nơi thuận tiện giao dịch để quản lý.
Đối với nguồn thu không thuộc dự án được giao quản lý, các Quỹ được trích lập theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập: Chủ đầu tư, BQLDA được mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để quản lý.
Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án, chủ đầu tư quyết định việc lập và phê duyệt 01 dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng hoặc lập và duyệt 02 dự toán riêng cho chủ đầu tư và BQLDA để thuận tiện quản lý, sử dụng. Trường hợp lập dự toán chung cho cả chủ đầu tư và BQLDA sử dụng, cần xác định rõ các nội dung chi của chủ đầu tư và các nội dung chi của BQLDA.
Hằng năm, chủ đầu tư, BQLDA căn cứ thời gian thực hiện dự án, hình thức tổ chức quản lý dự án, quy mô và đặc điểm công việc quản lý dự án, các chế độ chính sách có liên quan để xác định chi phí quản lý dự án của từng dự án cho phù hợp với khối lượng nhiệm vụ, công việc quản lý dự án trong năm và chịu trách nhiệm về nội dung này. Các khoản thu từ chi phí của dự án được giao quản lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hạch toán vào vốn của dự án đó. Chủ đầu tư, BQLDA có trách nhiệm đảm bảo đủ chi phí quản lý dự án để tổ chức, thực hiện quản lý dự án cho đến khi dự án được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành theo quy định.
Tại Thông tư quy định, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quyết định phê duyệt phương án tự chủ về tài chính đối với các BQLDA nhóm II theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn. Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý; có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng các khoản thu, chi của các chủ đầu tư, BQLDA sử dụng vốn ngân sách nhà nước.