logo-qdi5890-6read-only-1657679508579663766792-1657685597.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục giảm thuế cho xăng dầu để chống lạm phát - Ảnh: Q.ĐỊNH

Thắt chặt cung tiền ra nền kinh tế có thể mang lại một số hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng bình ổn giá xăng dầu là giải pháp tốt hơn.

TS Nguyễn Hữu Huân

Bộ Tài chính vừa cho biết thu ngân sách nhà nước "bội thu", đạt 941.300 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2022, tăng gần 20% (xấp xỉ 230.000 tỉ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong khi các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác... dự kiến đạt tổng mức giảm thuế là 126.000 tỉ đồng.

Bội thu, vừa mừng vừa trăn trở

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng thu ngân sách tăng lên không chỉ phản ánh việc phục hồi kinh doanh sau đại dịch mà còn cho thấy nỗ lực của ngành thuế.

Đi sâu vào phân tích nguồn thu, nếu như trước kia các nguồn thu thuế từ mua bán chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh chứng khoán... chưa được chú ý nhiều thì thời gian gần đây đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng.

Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới (Facebook, Google, YouTube)... từ vỏn vẹn xấp xỉ 47 tỉ đồng vào 2016, đến 2021 đã đạt hơn 1.590 tỉ đồng.

Dù vậy, hiện nhiều sắc thuế tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán, nên khi giá hàng hóa dịch vụ leo cao trong bối cảnh lạm phát, số thu thuế tăng theo.

Chính phủ nhiều nước cũng dùng phương pháp tính thuế theo tỉ lệ phần trăm trên giá hoặc có thể ấn định thu theo con số tuyệt đối - số tiền cố định.

Việt Nam cần có biện pháp phù hợp, vừa đảm bảo thu được thuế vừa đưa ra mức thu phù hợp với khả năng chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, trong đó có thể kết hợp giữa cách thu thuế theo tỉ lệ phần trăm và thu theo cố định số tiền, tránh càng lạm phát, thuế cũng góp phần thúc giá tăng thêm. "Chính phủ nào cũng cần tiền", ông Thịnh nói nhưng cho rằng việc hỗ trợ người dân cũng là điều cần thiết.

Nên giảm thêm thuế cho xăng dầu

Thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng chứa đựng nhiều trăn trở. Ngay Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5-2022 cũng từng đặt câu hỏi: "Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch?".

Năm 2021, thu ngân sách đạt trên 1,56 triệu tỉ đồng, vượt trên 16,4% dự toán, tuy nhiên mức tăng của GDP chỉ đạt 2,58%.

Lũy kế nửa đầu năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết GDP tăng 6,42%.

PGS.TS Tô Trung Thành (Trường đại học Kinh tế quốc dân) nhận định sau khi trừ đi mức tăng của lạm phát thì mức tăng thu nội địa trong ngân sách nhà nước ở nửa đầu năm 2022 đã gần tương đương mức tăng của nền kinh tế, điều này phản ánh sự hồi phục kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu, ngân sách bội thu mạnh chủ yếu từ dầu thô và bất động sản, vốn là nguồn tài nguyên hữu hạn.

Trong khi đó, chi phí tăng cao khiến nhiều người dân khó khăn. Điển hình, Bộ NN&PTNT cho biết gần một nửa tàu cá đã phải dừng hoạt động vì giá xăng dầu cao.

TS Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng để san sẻ gánh nặng với người dân, cơ quan quản lý vẫn cần xem xét giảm các loại thuế đang áp lên mỗi lít xăng.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên có thể dùng nguồn lợi từ tài nguyên này, cộng thêm quỹ bình ổn xăng dầu để cân đối, giúp xăng dầu bớt "cõng" hàng loạt thuế phí như hiện nay.

Cho rằng hiện nay bình ổn giá xăng dầu là giải pháp tốt hơn trong chống lạm phát so với thắt chặt tiền tệ, theo ông Huân, nó vừa giúp kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, là cơ hội cho Việt Nam bứt phá.

Trợ giá nhiên liệu là một giải pháp được Indonesia, Philippines áp dụng để hỗ trợ người dân. Trong bối cảnh thu ngân sách tăng, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam có thể làm như các nước trên./.