Đúng 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước được điều chỉnh giảm 3.103 đồng/lít, xuống còn 27.788 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít còn 29.675 đồng/lít. Đây là lần giảm thứ hai trong 10 phiên điều chỉnh gần nhất của giá xăng, 8 lần còn lại giá mặt hàng này tăng.
Mức giảm hơn 3.000 đồng/lít là mức giảm rất mạnh, tương đương khoảng 10% giá bán lẻ xăng. Theo thống kê của Dân trí, từ trước đến nay, mức giảm này chỉ ít hơn so với phiên điều chỉnh ngày 29/3/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (khi ấy xăng E5 RON 92 giảm tới 4.100 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 4.252 đồng/lít).
Không ít người đặt câu hỏi vì đâu giá xăng giảm mạnh đến thế. Theo liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới thời gian qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm. Giá xăng dầu diễn biến tăng giảm đan xen do lo ngại về nguồn cung tiếp tục gặp trở ngại vì các lệnh cấm vận.
"Tuy nhiên, việc ổn định sản xuất của OPEC+ và việc Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran khiến giá xăng dầu có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, những dự báo và lo ngại về suy giảm kinh tế toàn cầu cùng với việc biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại một số quốc gia đã tác động đến nhu cầu xăng dầu, nên giá xăng dầu đã có xu hướng giảm", cơ quan điều hành giá phân tích.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/7 và ngày 11/7 như sau: 128,7 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 19,1 USD/thùng, tương đương giảm 12,9% so với kỳ trước); 136,5 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 18,3 USD/thùng, tương đương giảm 11,8%).
Một yếu tố quan trọng nữa khiến giá xăng giảm cực mạnh là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 1.000 đồng/lít. Động thái này kéo giá xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm 1.100 đồng/lít (bao gồm VAT).
Thực tế, giá xăng đã có thể giảm mạnh hơn con số 3.000 đồng/lít nếu cơ quan quản lý không thực hiện trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, tại phiên điều chỉnh ngày 11/7, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không chi, nhưng lại thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng ở mức 950 đồng/lít.
Lý giải về hành động này, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết mục đích để có dư địa điều hành bình ổn giá xăng dầu cho giai đoạn các tháng cuối năm, khi thị trường xăng dầu vẫn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Thời gian qua, quỹ bình ổn được sử dụng liên tục để ổn định giá mặt hàng xăng dầu trong nước nên số dư hiện ở mức thấp, tại nhiều doanh nghiệp thậm chí bị âm.
Cũng theo cơ quan điều hành, việc giảm giá xăng hơn 3.000 đồng/lít nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Bộ Công Thương khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có)./.