Thật ra thì đa phần người dân đã bỏ xem bóng đá Việt Nam từ lâu. Đến mức mà giờ hỏi đội nào vừa vô địch V-League mùa này chẳng mấy ai biết, cũng chẳng quan tâm họ đá đấm như nào vì giải đấu chuyên nghiệp cao nhất vốn cũng toàn bịp với hổ lốn trong đó.
Tuy nhiên ở cấp độ đào tạo trẻ các cháu lại là câu chuyện khác. Nó là tiền của ngân sách, công sức, truyền thống, niềm tự hào mà ta hay gọi là cái nôi bóng đá. Không chỉ mang giá trị thể thao còn có ý nghĩa về hình ảnh con người và địa phương đó.
Các đội trẻ Sông Lam Nghệ An bị vạch trần, phanh phui hết năm này qua năm khác chuyện gian lận tuổi để vô địch chẳng có gì mới mẻ, thậm chí đến mức quen thuộc. Dân xứ Nghệ chẳng ai bất ngờ khi thấy các thông tin như vậy. Nhưng mà nhục.
Thà họ lấy tên là CLB Tân Long FC, U9-U11-U13 Tân Long...đi đá bóng thì kệ họ, vì họ là đội bóng tư nhân, họ muốn làm gì làm. Kể cả họ bê nguyên đội 1 toàn da đen đi đá U9, U11 với các tỉnh khác để lấy thành tích cũng kệ họ. Nhưng mang 4 từ "Sông Lam Nghệ An" đi làm những chuyện trơ trẽn như vậy khiến hình địa phương bị hoen ố, xấu mặt người dân xứ này.
Chẳng có đứa trẻ con nào tự khai man hồ sơ giảm tuổi mình đi để thi đấu với đám con nít cả, cũng chẳng có bậc phụ huynh nào nhẫn tâm đẩy sự nghiệp con cái mình rông dài phí phạm ra như vậy, chính ông GĐ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ SLNA cũng nhận định như vậy. Các ông đào tạo ra, các ông lạ gì chúng nó, nhặt đứa nào đi đấu giải là các ông quyết cả.
Dân ta thừa biết các trò mèo lận tuổi nên mấy cấp độ thiếu niên nhi đồng vô địch như xé giẻ nhưng lên cấp lớn cái hiện nguyên hình ngay. Trong 5 điều Bác Hồ dạy con trẻ thì điều thứ 5 là khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Các vị lãnh đạo, cán bộ Sở Văn hoá Thể thao hay ban lãnh đạo trung tâm đào tạo trẻ cũng từng là trẻ em, nên cũng từng được học những điều này.
Thế mà ngay từ cấp độ trẻ đã mang các cháu ra làm mấy trò gian lận, rồi sau này các cháu lớn lên không có 1 trái tim thuần khiết để cống hiến mà toàn những mưu mô thủ đoạn. Rồi các em khác bị đội gian xảo lận tuổi tước đi vinh quang vốn là của mình, chà đạp lên sự cố gắng, nỗ lực được đổi bằng mồ hôi nước mắt của những tâm hồn con trẻ thuần khiết cay đắng nhường nào?
Ấy vậy mà cuối cùng thông báo chả ai có lỗi, đám trẻ khai lận tuổi đã chuyển chúng đi nơi khác. Ngân sách mỗi năm tỉnh rót cho đào tạo trẻ hàng chục tỷ, sở Văn Hoá Thể Thao Nghệ An là cơ quan quản lý về mặt nhà nước để tình trạng như vậy xả ra liên tục nhiều năm chẳng lẽ không liên quan gì? Do buông lỏng quản lý hay năng lực hạn chế? Chúng tôi cần 1 câu trả lời thoả đáng.