Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa thông báo với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe rằng ông sẽ từ chức, theo văn phòng ông Wickremesinghe hôm 11/7. 

4-1657538451.jpg

Ông Gotabaya Rajapaksa trình bày tuyên bố quốc gia tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. (Ảnh: Getty)

Ông Rajapaksa đã phải đối mặt với áp lực từ chức trong nhiều tháng khi Sri Lanka vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từng được ghi nhận. Cuối tuần qua, ông thể hiện ý định từ chức ngày 13/7 nhưng chưa đưa ra tuyên bố trước công chúng.

Theo tuyên bố của văn phòng Thủ tướng, ông Rajapaksa chính thức xác nhận sẽ từ chức như kế hoạch. Dù vậy, nơi Tổng thống đang ở không được tiết lộ. Ông không xuất hiện công khai từ 8/7, đã đi khỏi dinh thự dưới sự bảo vệ của quân đội, theo The Guardian. 

Nhiều người dự đoán việc từ chức của Tổng thống Sri Lanka sau các cuộc biểu tình lớn ngày 9/7 ở nước này. Hàng trăm nghìn người đổ xuống đường phố Colombo, tràn vào nhà và văn phòng của Tổng thống, cũng như tư dinh của Thủ tướng, yêu cầu ông Rajapaksa từ chức ngay lập tức. 

Ông Rajapaksa trở thành Tổng thống kể từ tháng 11/2019 và cùng với 5 thành viên khác trong gia đình giữ các chức vụ chính trị cấp cao. Ông bị cáo buộc tham nhũng, quản lý kinh tế yếu kém và khiến Sri Lanka vỡ nợ.  Theo LHQ, dự trữ ngoại tệ của nước này đã cạn kiệt và họ còn đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo, khi không thể nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và thuốc men.

Hôm 9/7, ông Wickremesinghe cũng đồng ý từ chức sau khi một chính phủ khác có thể được thành lập để tiếp quản việc điều hành đất nước. Cựu Thủ tướng mới chỉ nhậm chức từ tháng 5, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng ông không cải thiện được tình hình tồi tệ của đất nước và đã giúp ủng hộ nhiệm kỳ của Tổng thống Rajapaksa. Nhà riêng của ông Wickremesinghe bị những người biểu tình tràn vào đốt hôm 9/7.

Hiện những người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm các tài sản của Tổng thống và Thủ tướng, tuyên bố chúng là tài sản công và cho biết không rời đi đến khi cả hai đều từ chức.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo từ các đảng đối lập chính của Sri Lanka đã họp để cố gắng thành lập một chính phủ đoàn kết mới, đồng thời quyết định ai sẽ được đưa vào làm thủ tướng và tổng thống mới.

Chính phủ lâm thời dự kiến ​​sẽ chỉ kéo dài từ 6 đến 8 tháng, cho đến khi hoàn cảnh kinh tế của Sri Lanka được cải thiện và một cuộc bầu cử quốc hội diễn ra.