Theo Dinouk Colambage, người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng, ông Wickremesinghe đã thông báo với các lãnh đạo đảng cầm quyền rằng ông chấp nhận từ chức một khi mọi đảng phái thống nhất thành lập chính phủ mới.
Ông đưa ra tuyên bố sau khi làn sóng biểu tình leo thang nghiêm trọng ở thủ đô Colombo. Hàng chục nghìn người quá khích đã vượt qua hàng rào an ninh và tiến vào dinh thự lẫn văn phòng làm việc của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vào chiều cùng ngày, buộc lãnh đạo đảo quốc Ấn Độ Dương phải sơ tán.
Trước đó, các lãnh đạo đảng cầm quyền tại quốc hội Sri Lanka cũng yêu cầu cả thủ tướng lẫn tổng thống nước này lập tức từ chức.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng trong tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài cùng lạm phát phi mã do chính phủ cạn kiệt ngoại tệ để nhập khẩu các loại hàng hóa quan trọng.
Cảnh sát hôm qua rút lại lệnh giới nghiêm sau khi các đảng đối lập, nhà hoạt động nhân quyền và đoàn luật sư đe dọa kiện lãnh đạo lực lượng. Giới chức cho biết hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ đã phớt lờ lệnh không ra khỏi nhà và thậm chí buộc cơ quan đường sắt điều hành các chuyến tàu đưa họ đến Colombo biểu tình vào hôm nay.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.
Lạm phát tại Sri Lanka hiện chỉ đứng sau Zimbabwe và có thể lên tới 60% vào cuối năm. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 80% người dân quốc đảo phải bỏ bữa vì không thể mua thực phẩm.