Tin được không: Mặt trăng được tạo thành từ những mảnh vỡ Trái đất?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại ETH Zurich, Mặt trăng được tạo thành từ những mảnh vỡ của Trái đất. Quan điểm này nhận được sự quan tâm lớn của công chúng.
Từ lâu, giới khoa học thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm giải mã nguồn gốc của Mặt trăng. Mới đây, các nhà khoa học tại ETH Zurich, Thụy Sĩ công bố nghiên cứu đáng chú ý về vấn đề này.
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố, các nhà khoa học cho hay Mặt trăng đã nhận các khí trơ, cụ thể là heli và neon từ lớp manti của Trái đất.
Phát hiện này củng cố thêm cho giả thuyết về việc một thiên thể chưa rõ danh tính đã va chạm với Trái đất khiến nhiều vật chất văng ra và hình thành Mặt trăng.
Để đi đến kết luận này, nhà hóa học vũ trụ Patrizia Will phân tích 6 mẫu thiên thạch Mặt trăng được NASA thu thập.
Những mẫu vật này bao gồm các mẫu đá bazan được hình thành khi magma trào lên từ bên trong Mặt trăng và nguội đi nhanh chóng do nhiệt độ lạnh giá từ không gian.
Sau khi hình thành, một lớp bazan khác bao bọc lấy số vật chất trên và bảo vệ chỗ đá khỏi bức xạ vũ trụ cũng như gió Mặt Trời. Quá trình nguội đi của đá đã hình thành nên những hạt thủy tinh Mặt trăng lấp lánh.
Bà Will cùng các cộng sự tìm thấy dấu vết của heli và neon trong các mẫu hạt thủy tinh. Từ đây, nhóm nghiên cứu nhận định đó chính là bằng chứng cho thấy Mặt trăng đã nhận những khí trơ này từ Trái đất.
Từ đây, nhiều chuyên gia tin rằng, Mặt trăng khả năng có cùng nguồn gốc với Trái đất.
Để xác thực thông tin này, các nhà khoa học sẽ cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu, tìm kiếm các bằng chứng có tính thuyết phục hơn./.