Sáng 24/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền, Bộ Y tế cho biết: "Sang tuần tới đơn vị sản xuất sẽ bàn giao khoảng 1 triệu viên thuốc xuyên tâm liên cho Công đoàn Bộ Y tế.
Toàn bộ số thuốc này sẽ được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19".
Ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết thêm, hiện còn rất ít đơn vị sản xuất loại thuốc xuyên tâm liên này do nhu cầu sử dụng rất thấp.
Chính vì vậy, hiện Cục Quản lý Y dược Cổ truyển đã khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp trở lại sản xuất loại thuốc này.
“Hiện tại Việt Nam vẫn chưa sử dụng riêng xuyên tâm liên trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Do vậy, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và đánh giá loại thuốc này trong việc kết hợp với các phương pháp điều trị khác cho bệnh nhân Covid-19.
Ở giai đoạn dịch Covid-19 ở Bắc Ninh, Bắc Giang, chúng tôi cũng đã có kết hợp thành phần xuyên tâm liên trong bài thuốc đông y điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và cũng bước đầu được đánh giá hiệu quả, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu của nước ngoài, đặc biệt tại Thái Lan đưa thuốc xuyên tâm liên vào điều trị Covid-19 và nhận thấy thuốc này có khả năng bất hoạt SARS-CoV-2. Họ đã chính thức đưa xuyên tâm liên vào phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chính vì vậy chúng tôi đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia sử dụng giai đoạn điều trị bệnh Covid-19 nhẹ và vừa. Tuy nhiên, cần căn cứ trên thể lâm sàng của từng bệnh nhân để sử dụng, và phải kết hợp với các phương pháp khác”, ông Nguyễn Thế Thịnh cho biết.
Theo ông Nguyễn Thế Thịnh, theo phác đồ điều trị, xuyên tâm liên được sử dụng tùy theo hàm lượng. Các doanh nghiệp sẽ đăng ký với hàm lượng không giống nhau.
Xuyên tâm liên có thể chế tạo nhiều kiểu khác nhau, hoặc xay luôn thô rồi đóng chai, 2 là tạo chiết với các hàm lượng khác nhau. Liều dùng tùy theo hướng dẫn của từng doanh nghiệp đăng ký, ví dụ viên thuốc 200 mg sẽ khác 250 mg, 300 mg.
Liệu trình điều trị bình thường của một người khoảng 10 ngày, tức khoảng 100 viên. Hiện Việt Nam có khoảng 50.000 bệnh nhân Covid-19, vậy tương ứng khoảng 5 triệu viên xuyên tâm liên.
Trước thông tin nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc xuyên tâm liên, ông Thịnh khuyến cáo: “Hiện tại Xuyên tâm liên trên thị trường hiện rất ít, do chỉ còn 1-2 đơn vị còn phép sản xuất, người dân không nên ồ ạt mua, hơn nữa việc sử dụng phải theo sự chỉ định của thầy thuốc, không dùng bừa bãi được.
Dù mọi người vẫn quan niệm thuốc đông y không có hại, tuy nhiên, không hoàn toàn như vậy, việc sử dụng không đúng vẫn có hại cho sức khỏe".
Chia sẻ ý kiến về việc nhiều người không mua được thuốc nhưng chuyển sang uống nước đun nấu từ cây xuyên tâm liên, ông Thịnh cho rằng: "Bà con không nên quá lạm dụng hay quá tin tưởng vào 1 loại nào cả, tốt nhất cần phải có sự tư vấn của thầy thuốc".
Theo Y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tình hàn có tác dụng tiêu thũng chỉ thống, hoạt huyết và thanh nhiệt giải độc. Chính vì vậy, thuốc thường dùng chủ trị các căn bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, vi rút, viêm da,…
Tài liệu ghi chép cổ của Trung Quốc, xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt thải độc giúp điều trị các bệnh đường hô hấp, đường tiết niệu, viêm da, dạ dày, viêm họng,… Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu dược học Đỗ Tất Lợi cho, cây thuốc dân gian này có thể dùng để chữa đau nhức xương khớp và trị rắn cắn.
Ngoài ra, dựa vào kinh nghiệm dân gian, xuyên tâm liên thường dùng làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh, bế kinh nguyệt. Đồng thời, chúng còn được dùng chữa các bệnh viêm nhiễm do virus, vi khuẩn gây ra trên tất cả các bộ phận cơ thể, ngay cả bệnh cấp hay mạn tính.
Theo Y học hiện đại, một số nghiên cứu y học hiện đại đã công bố tác dụng có lợi của cây xuyên tâm liên đối với sức khỏe. Các hoạt chất chiết xuất từ vị thảo dược này có tính kháng khuẩn, chống viêm giúp giảm nhanh triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị bệnh cảm cúm, viêm màng não, cúm gà và sốt xuất huyết.
Một thử nghiệm đối chứng của Burgos và các cộng sự của ông cho biết, xuyên tâm liên giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh cảm cúm như mệt mỏi, sổ mũi, sốt, đau cổ họng và nhức đầu. Một nghiên cứu khác của Thụy Điển cũng chứng minh xuyên tâm liên mang lại tác dụng trị liệu tốt đối với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra.
Tuy nhiên, xuyên tâm liên có thể gây ra các tác dụng phụ như đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn mửa, vô sinh, hạ huyết háp. Vì vậy, người bệnh không nên lạm dụng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.