Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về công tác thể dục thể thao và gặp mặt một số vận động viên tiêu biểu tham dự Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào chiều nay (13/7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba nội dung về phong trào thể dục, thể thao quần chúng, phong trào rèn luyện nâng cao sức khỏe thể chất con người Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, những phong trào này có nhiều nét mới và kết quả đáng mừng. Các vận động viên đã nói lên sự phấn đấu, rèn luyện, trong khi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các vận động viên thể thao và người khuyết tật cho thấy không ai bị bỏ lại phía sau. Đối với các môn thể thao thành tích cao, Đảng, Nhà nước cũng hết sức quan tâm và thực tế chúng ta đã giành được nhiều thành tích rất trân trọng. Thủ tướng cơ bản tán thành với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch .
Thủ tướng nêu rõ, qua báo cáo cho thấy có nhiều điều chúng ta làm được, nhưng cũng có nhiều điều chưa làm được, có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, cần phải khắc phục, để phong trào thể thao quần chúng ngày càng mạnh hơn, hiệu quả hơn. Việc quan tâm phong trào thể dục, thể thao, phấn đấu rèn luyện của người khuyết tật rất đáng trân trọng. Tinh thần thi đấu ngày càng kiên cường, thể hiện vị thế, ý chí vượt qua thử thách, khó khăn, vươn lên khẳng định mình, nhất là các môn thể thao thành tích cao như bắn súng, thể dục dụng cụ, bóng đá nam và nữ. Những thành tích này rất đáng tự hào.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần thi đấu của chúng ta ngày càng kiên cường, ngày càng thể hiện niềm tự hào người Việt Nam, vị thế của người Việt Nam, đặc biệt là ý chí vượt qua thử thách khó khăn để vươn lên khẳng định mình trong các bộ môn thể thao nói chung, nhất là các môn có thành tích cao. Những thành tích, thành tựu thời gian qua rất đáng tự hào. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là thể thao người khuyết tật, các môn thể thao thành tích cao đã truyền cảm hứng, tăng cường mạnh của dân tộc ta, góp phần tập hợp đại đoàn kết dân tộc, thể hiện rất rõ màu cờ sắc áo của dân tộc”.
Thủ tướng chỉ rõ, đối với thể thao nói chung và thể thao cho người khuyết tật nói riêng, những năm gần đây các vận động viên khuyết tật đưa Việt Nam lên thứ hạng cao trong đại hội thể thao người khuyết tật châu Á. Các môn khác cũng có nhiều cố gắng, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe và thể lực của nhân dân, quảng bá hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những thành tích đạt được thời gian qua, đặc biệt là đội tuyển bóng đá nam đã thi đấu hết mình tại vòng loại World Cup 2022. Thủ tướng mong đội tuyển tiếp tục vươn lên, cống hiến hết mình, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, đạt thành tích cao hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, như phong trào thể dục, thể thao quần chúng chưa được đẩy mạnh; thể thao cho người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức; cơ sở vật chất cho thể thao được đầu tư nhưng còn hạn chế.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của toàn ngành, mong ngành phát huy tinh thần này trong rèn luyện, phấn đấu, thi đấu để đạt thành tích cao hơn. Những gì còn tồn tại, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan sẽ quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát lại để hoàn thiện thể chế, trong đó có phong trào thể dục, thể thao quần chúng, nhất là rèn luyện sức khỏe trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Chúng ta cần nâng cao sức khỏe để chống lại những dịch bệnh có thể xảy ra.
Về vấn đề bồi dưỡng các thế hệ kế cận, Thủ tướng yêu cầu cần phải bồi dưỡng, quan tâm, sàng lọc, quy hoạch, để các đồng chí trưởng thành từ ngành thể dục, thể thao vào vị trí lãnh đạo cao hơn. Phải khích lệ, tạo điều kiện cho anh em vươn lên. Các thiết chế văn hoá, thể dục, thể thao cần được đầu tư làm tốt hơn để có điều kiện phục vụ phong trào. Việc tổ chức thực hiện cũng cần quan tâm hơn. Có phong trào mới có sự tham gia của quần chúng nhân dân, có đời sống lành mạnh mới giảm tiêu cực của xã hội. Về cơ sở vật chất cho người khuyết tật, Thủ tướng yêu cầu, cần có cơ chế, chính sách, kế hoạch toàn diện, trên cơ sở đó, dành nguồn lực nhất định để đầu tư.
Đối với thể thao thành tích cao phải đầu tư về lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, phương pháp tổ chức, rèn luyện, huấn luyện, chăm lo đời sống tinh thần, văn hoá. Ngoài ra, cần phải triển kinh tế - xã hội hài hoà phát triển văn hoá, nâng cao đời sống sức khỏe của nhân dân, bảo vệ môi trường. Mặc dù phát triển kinh tế nhưng không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần, trong đó có môi trường thể dục, thể thao, an sinh xã hội, chăm lo cho con người về mặt thể dục, thể thao.
Để chuẩn bị cho các vận động viên thi đấu tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, đặc biệt là trước khi đoàn thể thao người khuyết tật lên đường thi đấu, Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cần có hình thức động viên thích hợp các huấn luyện viên, vận động viên. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, động viên; người hâm mộ luôn quan tâm các vận động viên thi đấu.
Thủ tướng đề nghị: “Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ chính thức khởi tranh. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tạo mọi điều kiện tốt nhất để các vận động viên thể hiện tài năng, thể hiện màu cờ sắc áo của mình. Và các vận động viên hãy hết mình thi đấu chứ đừng áp lực về thành tích. Chúng ta hết mình thi đấu, hết mình vì thể thao, vì màu cờ sắc áo nhưng không bị sức ép bởi thành tích, thể hiện ý chí con người Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức và luôn luôn lấy khó khăn thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên khẳng định mình”./.