Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ, gồm: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Bộ Tư pháp; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo UBND 3 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bắc Ninh.

yttt-1698380907.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị

Hội nghị nhằm thực hiện Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 16/9/2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện 3 địa phương thực hiện thí điểm Ban Quản lý ATTP báo cáo về quá trình thành lập, mô hình tổ chức, cơ cấu tổ chức…

Kết quả hoạt động công tác đảm bảo ATTP của 3 thành phố/tỉnh khi nhập 3 ngành gồm: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành Ban Quản lý ATTP cho thấy hiệu quả hơn.

Các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về ATTP giám sát mối nguy như: hoạt động truyền thông được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được nguồn kinh phí đáng kể so với khi còn tổ chức riêng lẻ tại 3 ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trước đây...

ui-1698380962.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan và 3 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện báo cáo về mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP để báo cáo Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ.

Chủ động, kịp thời trong xử lý sự cố về ATTP, điều tra ngộ độc thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn; hiệu quả trong giám sát các mối nguy để cảnh báo cho cộng đồng.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được phát huy hiệu quả, tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra, thuận lợi cho doanh nghiệp khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với tần suất theo qui định, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp, thuận lợi hơn so với trước khi thành lập Ban Quản lý ATTP. Công tác hậu kiểm được tăng cường, đạt hiệu quả tích cực…

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho thấy: hoạt động kiểm tra được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, phường/xã). Trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 9/2023, số cơ sở được kiểm tra là: 376.517; cơ sở phát hiện vi phạm là: 58.562; cơ sở bị xử phạt là: 17.320; số tiền xử phạt là: 181.794.539.062 đồng.

kl-1698380987.jpg
Công tác kiểm tra ATTP tại chợ dân sinh ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh họa

Tại Đà Nẵng, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho biết, công kiểm tra ATTP cũng được triển khai ở 3 cấp (thành phố, quận/huyện, xã/ phường). Trong giai đoạn 2018 -2021 đã kiểm tra là: 7.404/ 7.892 cơ sở, đạt tỷ lệ là: 93,81%, số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là: 192 đạt tỷ lệ là (2,59%) với số tiền là: 1.500.570.000 đồng. So sánh với giai đoạn 2013 -2017, tỷ lệ cơ sở qua thanh tra, kiểm tra tuân thủ quy định về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 13,88%.

Kết quả thanh tra, kiểm tra của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh cho thấy, từ tháng 4/2018 đến tháng- 9/2023, các đoàn thanh tra, kiểm tra của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã thanh, kiểm tra là: 15.759 lượt cơ sở. Số cơ sở đạt về ATTP là: 12.290 (chiếm 78%); cơ sở không đạt là: 3.469 (chiếm 22%); xử phạt vi phạm hành chính là: 395 cơ sở với tổng số tiền là: 2.609.838.000 đồng.

Thủ tục hành chính được tập trung một đầu mối trong giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tạo sự tín nhiệm, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm.

Tại Hội nghị, các đại biểu đưa ra một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện như: Ban Quản lý ATTP chưa phải là cơ quan hành chính nhà nước chính thức nên việc sắp xếp về tổ chức nhân sự, đầu tư về trang thiết bị, việc phối hợp công tác với các cơ quan hành chính khác còn gặp nhiều vướng mắc.

UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất Chính phủ thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh.

UBND TP Đà Nẵng có tờ trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt chế độ đặc thù cho TP Đà Nẵng. Trong đó, đề xuất thành lập Sở ATTP TP Đà Nẵng. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Số 998/QĐ-TTg ngày 27/8/2023 về việc kéo dài thời gian hoạt động thí điểm của Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đến khi có mô hình mới.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đến khi có hướng dẫn của Trung ương về mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác bảo đảm an ninh, ATTP theo tinh thần Chỉ thị số 17CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, Chính phủ ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao các ý kiến thảo luận của các đại biểu của Bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh dù cho mô hình quản lý ATTP theo hình thức nào (Ban quản lý ATTP hay Sở ATTP hoặc Chi cục vệ sinh ATTP) quan trọng nhất vẫn là đảm bảo công tác quản lý về ATTP cho nhân dân. Đồng thời, phải đạt được mục đích quan trọng là sắp xếp bộ máy, mô hình tinh gọn và hiệu quả, không chồng chéo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các Bộ, ban, ngành liên quan và 3 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế hoàn thiện báo cáo về mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP để báo cáo Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ.../.