Việc quản lý chó nuôi, chó thả rông cũng còn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, công việc đòi hỏi phải làm thường xuyên hàng ngày không ngừng nghỉ.

Chó thả rông...vẫn nhiều

Vừa qua, UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức đã tổ chức đội chuyên trách bắt chó thả rông. UBND phường này được xem là địa phương cấp phường, xã, thị trấn đầu tiên ở TP HCM thành lập được đội chuyên trách bắt chó thả rông. Mục tiêu của phường là kiên quyết dẹp tình trạng chó thả rông để đảm bảo cảnh quan đô thị, môi trường sạch sẽ và an toàn cho người đi đường. Mô hình này được thành lập theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong hoạt động phòng ngừa bệnh dại.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu TP HCM thực hiện bắt chó thả rông. Trước đây, UBND Quận 1 có thành lập đội bắt chó thả rông trên địa bàn. Tuy nhiên, đội này đã ngưng hoạt động sau một thời gian do nhiều nguyên nhân. Hơn nữa, từ năm 2018, thực hiện Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT, việc bắt chó thả rông thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã, thị trấn.

tphcm-lap-doi-bat-cho-tha-rong-soi-lai-doi-thi-diem-o-ha-noi-1668732234.jpg
Bắt chó thả rông ở Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại Hà Nội, đầu tháng 4/2022, không ít người dân thủ đô đã kỳ vọng vào việc thành phố thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông ở 30 quận, huyện, thị xã sẽ giảm thiểu bệnh dại cũng như bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường và khu vực công cộng.

Dù vậy, sau thành lập, các đội bắt chó thả rông chỉ hoạt động rầm rộ thời gian đầu tại một số quận nội thành, sau đó dừng lại ở việc... tuyên truyền, nhắc nhở.

Cụ thể, tại khu vực Linh Đàm, nhiều nhà nuôi chó to, không rọ mõm, thả rông và thường xuyên đuổi theo người đi đường. Tương tự một số địa bàn phường tại quận Bắc Từ Liêm, tình trạng chó to thả rông, được dắt đi dạo mà không đeo rọ mõm diễn ra hàng ngày nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện xử phạt.

Ở nhiều phường cũng mới chỉ tuyên truyền tới người nuôi về sự nguy hiểm khi thả rông chó. Tuy nhiên, theo một vị lãnh đạo phường, trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết.

Vẫn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có tổng đàn chó, mèo rất lớn dao động từ 421 nghìn đến 460 nghìn con và đang có xu hướng gia tăng. Một thực tế khi đời sống, dân trí cao người dân sống ở vùng đô thị, nhất là các khu chung cư cao tầng người dân có xu thế nuôi chó cảnh tăng, nhất là các loại chó quý có giá trị kinh tế cao. Nhiều người dân, kể cả các em thiếu nhi có thú vui dắt cho cảnh dạo trên đường phố, kể cả ở các tuyến phố đi bộ.

Tuy nhiên, nhiều người chưa nắm được các quy định về việc nuôi chó nên đã xảy ra tình trạng để chó thả rông ra đường, không xích, không rọ mõm, đặc biệt ở các khu công cộng, công viên, trường học. Điều này sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa để chó thả rông làm ảnh hưởng đến giao thông, đã có không ít vụ tai nạn giao thông, gây thương tích trên đường phố mà nguyên nhân chính do chó thả rông. Bên cạnh đó để chó thả rông ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị, đến vệ sinh môi trường do chó thả rông phóng uế bừa bãi tại nơi công cộng, đường phố, ngõ xóm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến nay Thành phố đã ban hành “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”. Theo đó có nội dung rất quan trọng quy định về quản lý chó, mèo nuôi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt quy định rất rõ việc khai báo, cam kết những điều phải tuân thủ khi đưa chó ra nơi công cộng. Đối với chính quyền từ các quận, huyện đến cấp xã phường tập trung cao độ cho việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90 % số chó mèo trong diện tiêm.

Một trong những nội dung quan trọng để có được “vùng an toàn bệnh dại” đó là quản lý chó thả rông, hiện tại các quận đã tập trung chỉ đạo các phường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông.

Tuy nhiên, trong việc quản lý chó nuôi, chó thả rông cũng còn gặp không ít khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, công việc đòi hỏi phải làm thường xuyên; việc xử lý các giống chó to, chó giữ gặp nhiều khó khăn do dụng cụ trang thiết bị bắt giữ, vận chuyển chó còn thô sơ (chủ yếu tự chế) chưa chuyên nghiệp; vẫn còn có người chưa nhận thức đầy đủ tái diễn mang chó ra nơi công cộng không chấp hành quy định. Việc nuôi nhốt, chăm sóc nuôi nhốt, xử lý chó vi phạm, chó vô chủ trong thời gian chờ xử lý vi phạm của chủ hộ cũng gặp không ít khó khăn, bất cập.../.