img9727-16663350820741474999886-1666344745.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 21/10 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 21/10, Quốc hội nghe báo cáo dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Đấu giá biển số ô tô công khai, minh bạch

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: Kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công. Do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá… Việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá mang tính đặc thù, một số nội dung quy định thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Nhấn mạnh việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là cần thiết, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản điểm thi hành.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.

Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định. Hình thức đấu giá là đấu giá trực tuyến với phương thức trả giá lên.

Quyền của người trúng đấu giá: Được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe...

Nghĩa vụ của người trúng đấu giá là nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá; không được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe).

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể vùng 1 gồm Hà Nội, TPHCM là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Thời hạn thực hiện thí điểm là 3 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. "Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại kỳ họp thứ tư theo trình tự tại một kỳ họp", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói.

img9728-16663351544121007940490-1666344813.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian thí điểm 3 năm

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng, đồng thời nhất trí với quy định "tiền đặt trước bằng giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá" nhằm bảo đảm cho việc thu tiền trúng đấu giá; còn người đấu giá không trúng thì được hoàn trả tiền đặt trước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, trình tự, thủ tục đấu giá biển số xe ô tô có tính đặc thù, một số nội dung mới, một số nội dung được quy định cụ thể hơn so với trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến tại Nghị định 62/2017/NĐ-CP, nên việc đưa vào quy định trong dự thảo Nghị định là cần thiết. Tuy nhiên, để có cơ sở quy định cụ thể thì phải bổ sung vào dự thảo Nghị quyết này để những nội dung chủ yếu, mang tính nguyên tắc ý kiến đã nêu và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cũng cho biết, liên quan đến thời gian thí điểm, đa số Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với dự thảo Nghị quyết, vì thời gian thí điểm 3 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng kết hợp cả hai loại ý kiến trên./.