Theo dự kiến, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Đồng thời, cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.
Phiên họp này cũng cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT
Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP.HCM; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Cùng với đó, Uỷ ban Thường vụ cũng xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với 3 báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021 và Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2021.
Trước đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng nhằm thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là vấn đề có nhiều ý kiến.
Theo Tờ trình của Chính phủ, một trong những yêu cầu bắt buộc là phải xác định giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, biển số đưa ra đấu giá là tài sản công đặc biệt phục vụ quản lý nhà nước. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý nào để xác định giá trị từng biển số mà phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân . Dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá chia theo vùng: Vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng ; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng .
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh có nhiều ý kiến về vấn đề này, trong đó, loại ý kiến không nhất trí cho rằng, việc đưa ra giá khởi điểm theo vùng là thiếu căn cứ rõ ràng.
Giải trình về vấn đề này, đại diện Bộ Công an cho rằng, giá trị biển số xe là tài sản vô hình, không một tổ chức nào có thể xác định, thẩm định để đưa ra 1 giá khởi điểm.
Theo Bộ Công an, từ ngày 01/01/ 2009 đến 31/5/2022 , toàn quốc đăng ký hơn 5.400.000 xe ô tô. Mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25 %. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; đảm bảo công khai, minh bạch; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước./.