Ca nhiễm được phát hiện vào đêm 15/12, là một nhân viên tại Bệnh viện Wisma Atlet ở thủ đô Jakarta. Người này không có lịch sử đi du lịch nước ngoài, theo Guardian.

"Một nhân viên dọn dẹp ở Wisma Atlet tại Jakarta được phát hiện nhiễm biến chủng Omicron khi xét nghiệm hôm 15/12", Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin nói trong cuộc họp báo ngày 16/12.

“Chúng tôi kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh, không hoảng loạn với thông tin phát hiện ca nhiễm (Omicron) đầu tiên", ông Sadikin nói. "Mọi người nên tránh di chuyển ra nước ngoài trừ khi cần thiết", ông nói thêm.

Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này được cho là chưa ghi nhận sự lây truyền biến chủng Omicron trong cộng đồng, nhưng 5 trường hợp khác đang thuộc diện nghi vấn, bao gồm 2 người Indonesia mới trở về từ Mỹ và Anh, cùng 3 người mang quốc tịch Trung Quốc đang được cách ly ở Manado, Bắc Sulawesi.

Các trường hợp này đều đang trong quá trình chờ giải trình tự gene. Kết quả dự kiến được công bố trong vòng 3 ngày nữa.

70-tiem-vaccin-1639639549-1639641049.jpg
Một học sinh được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng trẻ em 6-11 tuổi ở Jakarta ngày 14/12. Ảnh: Reuters.

Cùng ngày, giới chức trách y tế New Zealand cũng thông báo nước này vừa phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở cơ sở cách ly tại Christchurch.

Ca nhiễm được xác định là một người tới New Zealand trên chuyến bay từ Đức, quá cảnh ở Dubai và hạ cánh tại Auckland.

Hiện 80 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 15/12 cảnh báo biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng có. WHO kêu gọi các quốc gia cần nhanh chóng hành động để kiềm chế sự lây lan của virus và bảo vệ hệ thống y tế, AFP đưa tin.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh "thực tế Omicron có thể ở hầu hết quốc gia, ngay cả khi chưa được phát hiện".

Chuyên gia WHO Abdi Mahamud cảnh báo một số quốc gia châu Âu có thể sẽ chứng kiến Omicron thành biến chủng thống trị trong vài ngày tới.

Tuy có một vài dấu hiệu ban đầu cho thấy Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn, ông Tedros cho rằng không nên chủ quan; bởi kể cả khi điều này là đúng, hệ thống y tế chưa được chuẩn bị đầy đủ vẫn sẽ gặp khó khăn nếu số trường hợp mắc tăng quá nhanh.

Ngoài ra, ông Tedros bày tỏ lo ngại về việc nhiều quốc gia đang tích trữ vaccine để tiêm liều tăng cường. Điều này gia tăng thêm sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước.

Ông cho biết vẫn chưa có đủ dữ liệu để chỉ ra liều tăng cường là cần thiết nhằm bảo vệ những người trưởng thành khỏe mạnh chống lại biến chủng mới.

Trong khi đó, nhiều người dễ bị tổn thương ở các nước nghèo vẫn chưa nhận được liều đầu tiên, ông nói.

“Tôi xin nói rõ là WHO không chống lại việc tiêm liều vaccine tăng cường. Chúng tôi chống lại sự bất bình đẳng. Mối quan tâm chính của chúng tôi là cứu sống mọi người ở khắp mọi nơi”, ông Tedros nói. "Đây chỉ là vấn đề liên quan tới mức độ ưu tiên"./.