Có biểu hiện lơ là, chủ quan trong công tác chống dịch
Tại Kỳ họp thứ hai, HĐND thành phố Vinh khóa XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/8 vừa qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những vấn đề nóng được đặt ra.
Theo trao đổi của bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố: Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các phường, xã.
Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại đối với thành phố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Và thực tiễn hiện nay, thông qua kiểm tra cho thấy đang có những biểu hiện chủ quan, lơ là ở cả trong hệ thống chính trị, ban chỉ đạo, tổ Covid cộng đồng và nhân dân.
Lo lắng nhất là tình trạng các đối tượng không tuân thủ quy định phòng dịch khi cách ly tại nhà; người trở về từ các tỉnh, nhưng các phường, xã khó nắm bắt, chỉ khi Công an làm án thì mới phát hiện trường hợp này đã thuê nhà trọ ở đó.
Đây là những biểu hiện cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ bùng phát dịch rất cao cho các phường, xã và thành phố.
Biểu hiện sự chủ quan nữa là do sức "nóng” của dịch trên địa bàn thành phố giảm dần nên người dân có tình trạng tụ tập ăn uống tại các quán hàng, nhiều gia đình tổ chức liên hoan ăn uống đông người.
9 giải pháp cần tập trung
Từ nhận thức rõ nguy cơ và trước biểu hiện lơ là, chủ quan, buông lỏng công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đưa ra 9 giải pháp mà thành phố Vinh sẽ quyết liệt tập trung trong thời gian tới.
Đó là thành phố đã thành lập 5 tổ công tác do lãnh đạo UBND thành phố, trưởng ban Đảng của Thành ủy, trưởng Công an thành phố làm tổ trưởng và 4 tổ do các trưởng phòng chuyên môn UBND thành phố làm tổ trưởng thường xuyên kiểm tra các địa bàn, lĩnh vực phụ trách, hàng tuần báo cáo trước trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố. Trên cơ sở đó vừa chấn chỉnh, vừa đề ra giải pháp, biện pháp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Thành phố cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ người từ địa phươg khác về, nhất là các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Chính phủ; duy trì chốt phòng dịch tại cầu Bến Thủy và ga Vinh; tăng cường hoạt động của tổ Covid cộng đồng (thành phố có 362 tổ Covid cộng đồng với hơn 3.000 người).
Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Nếu tổ Covid cộng đồng được kích hoạt và hoạt động tốt thì chắc chắn sẽ giữ được bình yên cho thành phố; ngược lại nếu tổ này hoạt động lơ là, không ý thức được trách nhiệm của mình thì công tác kiểm soát người từ địa phương khác về sẽ rất khó khăn, nhất là sau khi tỉnh tổ chức đón nhận một số lượng rất lớn công dân từ các tỉnh về và khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày về cách ly tại nhà.
Tính từ ngày 7/7 đến nay, số công dân ở ngoại tỉnh về thành phố Vinh là 2.680 người; trong đó thành phố Hồ Chí Minh là 146 người; Hà Nội 804 người; số còn lại từ các tỉnh khác.
Một giải pháp nữa là tiếp tục thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết và cách ly tập trung; chú trọng các biện pháp phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, nhà máy, chợ, trung tâm thương mại, nhất là chợ đầu mối; chủ động chuẩn bị các khu cách ly tập trung và khu cách ly có thu phí để sẵn sàng cho tình huống dịch bùng phát trở lại và tiếp nhận công dân thành phố Vinh từ các địa phương khác về.
UBND thành phố cũng giao cho các phòng chuyên môn nghiên cứu để tham mưu việc hỗ trợ cơ sở vật chất và kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và tổ Covid cộng đồng.
Đề xuất tỉnh hỗ trợ 15.000 liều vắc-xin để tiêm cho lực lượng tuyến đầu chưa được tiêm, ưu tiên cho công an phường, xã, tổ Covid cộng đồng, shiper, tiểu thương…
Thành phố cũng đã xây dựng phương án phòng chống dịch trong điều kiện dịch bùng phát trở lại ở mức độ nguy cơ cao hơn.
Cụ thể, thành phố đã tiếp nhận, hướng dẫn 70 doanh nghiệp, trong đó có 36 doanh nghiệp đủ điều kiện với 360 lao động. Qua đó đã thẩm định và trình tỉnh hỗ trợ cho 7 doanh nghiệp và 80 lao động thuộc đối tượng là người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp nhận, thẩm định 12 hồ sơ đủ điều kiện, trong đó trình tỉnh 7 hồ sơ thuộc đối tượng là người lao động bị ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên.
Thành phố cũng đã rà soát sơ bộ số lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng 16.881 người.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Khi có hướng dẫn của tỉnh, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.