c-1691048599.jpg
Sâm Ngọc Linh được định hướng là cây trồng chiến lược của tỉnh Quảng Nam

Trước đó, Ban vận động thành lập hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận có đa số người thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam, do ông Võ Kim Cự - Chủ tịch HĐQT công ty - làm trưởng ban.

Sau khi nhận được thông tin rộng rãi trên báo chí, đại diện các "thủ phủ" trồng sâm lớn của cả nước đã lên tiếng về việc làm này.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam có văn bản cho rằng không có các tổ chức, cá nhân (các doanh nghiệp, Hội Sâm núi Ngọc Linh) ở tỉnh Quảng Nam tham gia vào Ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất Sâm Việt Nam là chưa hợp lý.

Tại Kon Tum, một địa phương trồng nhiều sâm, không có doanh nghiệp lớn nào tham gia. Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) là một đơn vị đang bảo vệ và phát triển vườn sâm hơn 500.000 cây sâm Ngọc Linh, diện tích khoảng 30ha cũng chưa nghe đến việc thành lập này, đến khi biết thông tin trên báo chí.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô - cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc vận động thành lập hiệp hội trên.

Việc thành lập hiệp hội thì công ty thống nhất, nhưng ông Chung cho rằng cá nhân, tổ chức đứng ra thành lập hiệp hội phải có đủ uy tín và năng lực để kêu gọi vận động.

"Chúng tôi không bao giờ tham gia vào hiệp hội như thế này vì thành phần tham gia chúng tôi chẳng biết là ai cả. Chúng tôi là những doanh nghiệp chân chính mà không được thông báo gì cả. Hiện tại công ty cũng đang tham gia Hiệp hội Dược liệu của tỉnh nhưng cũng chưa thấy hiệp hội có ý kiến", ông Chung nói.

"Hiệp hội phải tập trung mọi nguồn lực tận dụng điểm mạnh, lợi thế của từng thành viên thì mới phát triển được. Chứ còn thành lập hiệp hội mà đưa các doanh nghiệp chủ chốt ở bên ngoài vào thì làm sao mà gọi là hiệp hội được, cần phải thanh lọc, kiểm tra kỹ lưỡng năng lực của các đơn vị tham gia để tránh trường hợp ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành sâm”.

"Những người làm ăn thì người ta cũng muốn có một cái "mác" là tôi nằm trong hiệp hội ấy. Nên tôi nói khả năng là nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần "ăn theo" hiệp hội để trá hình thì cái đó chắc chắn không loại trừ được và khả năng là rất nhiều. Khi hiệp hội có những "con sâu làm rầu nồi canh" thì ảnh hưởng đến uy tín chung", ông Chung góp ý.

cc-1691048632.PNG
Lai Châu nhân giống và phát triển được trên 100ha sâm tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường

Một lãnh đạo Hiệp hội Sâm Lai Châu cho biết, qua báo chí và thành viên, hiệp hội mới biết sắp thành lập một hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam.

"Sâm gốc hiện nay tập trung chính ở Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Chúng tôi trồng sâm ở Lai Châu còn chả biết gì về việc thành lập hiệp hội, nếu sản xuất sâm thì lấy đâu sâm để sản xuất? Liệu có phải trà trộn sâm không rõ nguồn gốc? Khi đó sản phẩm ra quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là nguồn gốc, chất lượng sâm sẽ là câu hỏi lớn" - vị này nói.

Việc thành lập hiệp hội sản xuất sâm Việt Nam này liệu có bảo vệ, hỗ trợ những thành viên, những người trồng sâm không, hay chỉ là cuộc chơi của những người buôn bán sâm – Đại diện Hiệp hội Sâm Lai Châu đặt câu hỏi.

Sâm ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vận động trồng để giữ gìn, bảo tồn giống rồi mới phát triển. Sản lượng sâm hàng năm cũng rất ít. Nam Trà My, Quảng Nam là thủ phủ sâm Ngọc Linh, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện - cho rằng: “Việc thành lập Ban vận động lập hiệp hội để giúp đỡ hội viên, bảo tồn, phát triển sâm, trong đó có sâm Ngọc Linh, đưa giá trị, thương hiệu vươn xa hơn nên việc lập hiệp hội là cần thiết nhưng chuyện công nhận ban vận động thành lập hiệp hội thì ở Quảng Nam không có một doanh nghiệp nào cả, riêng huyện có hơn 22 doanh nghiệp trồng, phát triển sâm nhưng không có đơn vị nào tham gia ban này”.

"Tôi thấy trong ban vận động "cơ cấu" chưa hợp lý vì một số thành viên toàn là ở Hà Tĩnh, Hà Nội, Nghệ An, trong đó có công ty của ông Võ Kim Cự. Tôi đề nghị tỉnh có một tiếng nói chung để kết nạp một số doanh nghiệp, hộ trồng sâm ở huyện. Có như vậy mới vận động được doanh nghiệp tham gia, đảm bảo thiết thực, hiệu quả của hiệp hội này" - ông Mẫn đề nghị.

"Chính huyện chúng tôi cũng chưa biết thông tin công nhận ban vận động. Các doanh nghiệp cũng mong muốn tham gia ban này để tuyên truyền, quảng bá, có phương án đầu tư lâu dài về sâm Ngọc Linh" - ông Mẫn nói.

Ở Việt Nam các Hiệp hội đang hoạt động tốt, được cộng đồng doanh nghiệp và hội viên tham gia mà mỗi khi nhắc đến thì doanh nghiệp, người dân đều biết đến.

Hiệp hội Rau Quả Việt Nam (VINAFRUIT) được thành lập từ tháng 3/2001 tại Việt Nam, là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp, các tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh rau quả theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động của các doanh nghiệp, giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam, phát triển tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hội viên.

Việc ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam được thông tin “rầm rộ” trong khi thủ phủ của 3 vùng trồng sâm Ngọc Linh lớn của cả nước là Kon Tum, Quảng Nam, Lai Châu không hay biết về việc thành lập này... Như vậy, việc thành lập Hiệp hội Sản xuất sâm Việt Nam có thực sự hướng đến góp phần bảo vệ thương hiệu sâm cho các doanh nghiệp của Việt Nam hay chỉ để mục đích khác của cá nhân công ty sâm Ngọc Linh do ông Võ Kim Cự làm trưởng ban?!