Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị có liên quan.

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. Ngoài ra, bà Lan còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và Rửa tiền, tuy nhiên, cơ quan điều tra đã tách vụ án này ra để tiếp tục điều tra và xử lý sau.

pp-1700464803.jpg
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Trong vụ án trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền lãi phát sinh hơn 129.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ.

3 tội danh bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố

TS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ án xác lập kỷ lục về số tiền chiếm đoạt, số tiền gây thiệt hại, số tội danh, số bị can bị đề nghị truy tố và nhiều vấn đề về pháp lý cho thấy có thể gọi đây thực sự là một "đại án" về kinh tế.

Kết luận điều tra cho thấy, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu số lượng lớn các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý. Bà Trương Mỹ Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB, nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần. Trương Mỹ Lan đã dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình, cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB – vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào. Cơ quan điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng.

Trương Mỹ Lan đã cho người đưa hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) cho Trưởng đoàn thanh tra lúc đó là bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên cục trưởng cục II thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau. Trong hành vi này, bước đầu cơ quan chức năng xác định Trương Mỹ Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.
Như vậy, theo nội dung kết luận điều tra, số tiền mà cơ quan điều tra cho rằng bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt là đặc biệt lớn, kể cả số tiền gây thiệt hại cũng rất lớn.
Kết luận điều tra xác định số tiền mà bà Lan chiếm đoạt của ngân hàng SCB là hơn 304 nghìn tỷ đồng nên đã đề nghị truy tố bị can này về tội tham ô tài sản. Tuy nhiên, một điều cũng đáng chú ý là đây là tài sản của doanh nghiệp chứ không phải là tài sản của Nhà nước, trong đó cơ quan điều tra cũng xác định Trương Mỹ Lan là người chiếm gần như tuyệt đối cổ phần của ngân hàng này.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ năm 2018, tội tham ô tài sản có thể xử lý đối với cả doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuy nhiên, từ thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực đến nay thì có lẽ đây là vụ án hình sự xử lý về tội tham ô tài sản đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước phức tạp nhất, quy mô lớn nhất và số tiền chiếm đoạt cũng nhiều nhất.

Trước thời điểm có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015, hành vi chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp ngoài nhà nước bằng thủ đoạn gian dối để như vậy chỉ có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật hiện nay, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Tuy nhiên với tội tham ô tài sản, hình phạt cao nhất là tử hình. Bởi vậy, khi áp dụng quy định mới của pháp luật về xử lý tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn đối với các tội danh tương tự mà có thể áp dụng trước đó.

Theo điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội tham ô tài sản, hành vi hành vi tham ô tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên, hình phạt thấp nhất là 20 năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Điều đáng chú ý trong tội danh này là khoảng 6 quy định: "Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.". Đây là quy định mới cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng không chỉ trong khu vực nhà nước mà còn đối với khu vực ngoài nhà nước. Với quy định này, hành vi trước đây chỉ bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì nay có thể xử lý về tội tham ô tài sản với mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào quy định bộ luật hình sự trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Điều đáng chú ý là trong vụ án này bà Trương Mỹ Lan là người có sức ảnh hưởng đối với hoạt động kinh tế của khu vực phía Nam, đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội, đồng thời bà này còn nắm giữ cổ phần đa số trong ngân hàng SCB, bởi vậy, tài sản của ngân hàng này cũng đa phần là tài sản của bà Lan. Chính vì vậy, trường hợp bị kết tội về tội tham ô tài sản, khi lượng hình tòa án sẽ cân nhắc đến những tình tiết này để quyết định một mức hình phạt phù hợp.

Ngoài tội tham ô tài sản, bà Trương Mỹ Lan còn bị đề nghị truy tố về 2 tội danh nữa là Tội đưa hối lộ và Tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Với tội đưa hối lộ thì hình phạt cao nhất quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự là tới 20 năm tù. Tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng theo điều 206 Bộ luật Hình sự thì hình phạt cao nhất cũng tới 20 năm tù: "Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.".
Về nguyên tắc, trong trường hợp người phạm tội bị kết án về nhiều tội danh trong đó có hình phạt cao nhất là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình; Trường hợp bị kết án về nhiều tội danh và hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung cho các tội cũng là tù chung thân; Trong trường hợp các hình phạt đều là tù có thời hạn thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt bằng hình thức cộng các mức hình phạt ở các tội danh nhưng không quá 30 năm tù.

Nhận hối lộ 5,2 triệu USD, cựu Cục trưởng Thanh tra đối mặt án cao nhất

Trong vụ án trên, bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Bà Nhàn bị cáo buộc với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, bà Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lên đến 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỷ đồng), đây là số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ lớn nhất trong các vụ án ở Việt Nam từ trước đến nay.

Tội nhận hối lộ được quy định tại điều 354 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất cũng là tù chung thân hoặc tử hình nếu số tiền nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên.

“Đây là hình phạt rất nghiêm khắc theo quy định của pháp luật có thể áp dụng đối với người có chức vụ quyền hạn, nhưng đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một công cụ để thỏa thuận đổi chác với người đưa hối lộ, hưởng lợi bất chính trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”, luật sư Cường nêu ý kiến.