Hành vi của ông Quân cùng vợ Nguyễn Trần Ngọc Diễm; Nguyễn Văn Lợi (Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm - một trong các doanh nghiệp "sân sau" của ông Quân) được nêu trong kết luận điều tra bổ sung Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa hoàn tất, đề nghị VKSND Tối cao truy tố về tội Rửa tiền. Riêng Quân và Lợi còn bị cáo buộc hành vi Tham ô, chiếm đoạt 103 tỷ đồng của Nhà nước.

Động thái này được đưa ra sau hơn 2 tháng C03 điều tra bổ sung theo yêu cầu của VKS. Như vậy, cơ quan điều tra đã khởi tố thêm bị can Diễm, đồng thời thay đổi tội danh của Quân và Lợi từ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang tội Tham ô và Rửa tiền.

Liên quan vụ án, Trần Hậu Nghĩa (Giám đốc Công ty thiết bị y tế Hải Đăng) và 5 người của Bệnh viện Thủ Đức là Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh (cựu phó giám đốc), Ngô Trương Ngọc Bích (nguyên trưởng phòng vật tư), Đặng Thị Hiên (nguyên kế toán trưởng), Nguyễn Huy Việt (cựu nhân viên phòng vật tư) bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Quân đang bị tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Bắc Giang theo lệnh bắt của Bộ Công an hồi tháng 11/2021. Đây là vụ án thứ hai ông Quân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở vụ án đầu tiên, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức bị Công an TP HCM đề nghị truy tố về hành vi vi phạm đấu thầu liên quan mua kit xét nghiệm Covid của Việt Á, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

65-1693468115.jpg
Ông Nguyễn Minh Quân khi bị bắt 11/2021. Ảnh: Công an cung cấp

Vô hiệu hóa bệnh viện, để 4 công ty "sân sau" trúng thầu

Bộ Công an xác định, ông Quân có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản từ nguồn vốn vay ngân hàng và Quỹ phát triển sự nghiệp của Bệnh viện Thủ Đức. Ngoài ra, bị can là chủ và là người điều hành hoạt động (dù không đứng tên pháp nhân, giám đốc công ty) 4 công ty "sân sau" là Nguyễn Tâm, Trung Dung, Thanh Vương SG và Ngọc Đạo. Trong đó, ông Quân giao Lợi làm Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm, thuê 3 người khác đứng đầu các doanh nghiệp còn lại để phục vụ việc kinh doanh thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2016 đến 2019, Quân đã chỉ đạo Lợi và những người này dùng pháp nhân công ty mua bán lòng vòng để nâng giá, tham gia thầu các gói mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Thủ Đức. Mặt khác, với vị trí người đứng đầu bệnh viện, bị can đã chỉ đạo, gây sức ép với các nhân viên dưới quyền, thành viên các tổ chấm thầu thực hiện các hành vi vi phạm quy định Luật Đấu thầu như: thông thầu, gian lận, không đảm bảo minh bạch.

Cụ thể là, ông Quân ký quyết định thành lập tổ chuyên tổ chức đấu thầu nhưng các thành viên trong tổ đều bị "vô hiệu hóa", không có quyền can thiệp. Công việc chính của họ chỉ là ký hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Lợi để làm đẹp hồ sơ theo chỉ đạo. Các nhân viên bệnh viện biết rõ nhóm công ty dự thầu đều là "sân sau" của ông Quân nhưng vẫn làm theo chỉ đạo. Việc này khiến Lợi cùng 3 công ty trúng thầu 27 gói với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng. Kết quả định giá tài sản trong tố tụng hình sự chứng minh ông Quân đã nâng khống giá thiết bị y tế từ 30% đến 50%.

"Sau khi trừ đi giá mua và các chi phí, số tiền chiếm đoạt của Quân được xác định là hơn 103 tỷ đồng", Bộ Công an kết luận, đồng thời xác định Bệnh viện Thủ Đức là đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển. Nơi đây sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng để mua sắm trang thiết bị y tế và sử dụng kinh phí từ các nguồn thu, hoạt động dịch vụ để trả nợ.

"Như vậy các tài sản do Bệnh viện Thủ Đức đấu thầu mua sắm là tài sản Nhà nước giao cho bệnh viện quản lý sử dụng", kết luận nêu, xác định ông Quân đã dùng thủ đoạn để hợp thức việc Tham ô tiền của Nhà nước.

Rửa tiền vào hàng loạt bất động sản, ôtô

Kết luận điều tra xác định, sau khi tiền từ Bệnh viện Thủ Đức chuyển vào tài khoản 4 công ty, ông Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt, chuyển khoản vào tài khoản của mình và vợ; thanh toán cho hàng loạt giao dịch mua sắm ôtô, bất động sản... Trong đó, ông Quân tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có.

Đối với bà Diễm, tuy không quản lý hoạt động kinh doanh nhưng là người quản lý lợi nhuận của 4 doanh nghiệp thu được từ việc đấu thầu thiết bị y tế vào Bệnh viện Thủ Đức. Trước hoặc sau khi các công ty được bệnh viện thanh toán tiền thì Diễm yêu cầu Lợi chuyển tổng cộng gần 68 tỷ đồng để thanh toán bất động sản...

Năm 2021, 2022, khi đang đương nhiệm Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, ông Quân bị Bộ Công an điều tra các sai phạm. Lúc này, ông đã 8 lần chi tổng cộng hơn 3,7 triệu USD để "chạy án". 6 người tham gia "chạy án" đã bị xét xử, trong đó có hai cựu cán bộ của C03 Bộ Công an. Riêng ông Quân được xác định là chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự.