Họ đã và đang viết nên câu chuyện của sự nỗ lực, dù phụ cấp ít ỏi, song những thành viên Nhóm đồng đẳng Sao Va không ngần ngại rong ruổi hàng trăm cây số đường đèo, núi mỗi ngày để tuyên truyền, vận động những người nhiễm và người có nguy cơ cao về HIV/AIDS thực hiện các biện pháp cần thiết, hỗ trợ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng ở huyện miền núi rẻo cao xứ Nghệ...
Điểm tựa của những người bị nhiễm HIV
Chị Moong Thị K. (sinh năm 1985, trú tại bản Na Cày, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đến bây giờ vẫn ngỡ những gì mình trải qua như một giấc mơ. Chồng chị qua đời cách đây gần 5 năm. Trước đó, chồng chị đi làm công nhân trong miền Nam, rồi về quê được một thời gian thì trở bệnh rồi qua đời. Chị nghe người trong bản xì xào về “căn bệnh xã hội” chồng mắc phải nhưng bỏ ngoài tai, tần tảo chăm sóc chồng và lo ma chay khi anh ấy qua đời.
Cho đến khi thấy bản thân có các triệu chứng giống chồng từng mắc phải như sức khỏe giảm sút kèm ho, khó thở, không ăn uống được thì chị mới bàng hoàng biết bản thân đã bị lây truyền “căn bệnh xã hội” từ chồng... Gia đình hắt hủi, láng giềng gièm pha, xa lánh, chị K. đành ra dựng túp lều xiêu vẹo, chắp vá đủ bề, xa bản để sống lủi thủi một mình. Lúc đó, chị dần nhận ra “căn bệnh xã hội” mà dân bản từng bàn tán là một thứ gì đó ghê gớm nhưng phải giấu kín. Chị từng đau đớn nghĩ đến nắm lá ngón để kết liễu cuộc đời...
May thay, chị được Nhóm đồng đẳng Sao Va phát hiện, đưa đi xét nghiệm và kết quả là chị nhiễm HIV. Khi được các đồng đẳng viên trò chuyện mỗi ngày, chị dần lấy lại được niềm tin vào cuộc sống, bắt đầu uống thuốc điều trị HIV. Đến nay, sức khỏe chị thay đổi tích cực, đã trồng được ngô, gieo được lúa. “Được các anh chị nhóm Sao Va giúp đỡ, khám bệnh mới biết bản thân nhiễm HIV và bị lây truyền từ chồng. Tôi sợ lắm. May có các anh chị đã động viên, hướng dẫn dùng thuốc Methadone và điều trị ARV đều đặn, tôi thấy khỏe dần”, chị K. xúc động nói.
Anh L.V.T. (trú tại bản Tục Pang, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) năm nay mới 24 tuổi, nhưng trên gương mặt đã hằn lên sự già dặn, từng trải. “Tôi từng trượt dài, chìm trong nghiện ngập ma túy và cả HIV...”, anh bắt đầu câu chuyện của mình như vậy. Anh dính đến ma túy khi mới học lớp 11. Thời điểm đó, cơn lốc ma túy cuốn đến bản làng khiến đứa trẻ mới lớn như anh cũng tò mò dùng thử để tỏ ra “sành điệu” và bị cuốn vào chất nghiện này lúc nào không biết. Ma túy đã khiến gia đình anh khánh kiệt, bán hết trâu bò, lúa ngô, sống lay lắt trong căn nhà trống huơ trống hoác. Cứ tối đến, anh cùng một số thanh niên tụ tập ở đầu bản rồi hút chích chung bơm kim tiêm.
Khi đi xét nghiệm, anh T. nhận kết quả bị nhiễm HIV nhưng tỏ ra bình thản, không phải vì mạnh mẽ hay tỉnh táo, mà vì không có kiến thức về HIV, không biết HIV là gì. Rồi anh dần nhận ra mình đang bị kỳ thị, xa lánh, kể cả những người thân của mình thì khi ấy mới lờ mờ hiểu ra tác hại của HIV là gì...
Cuộc sống của anh mới bắt đầu trở lại vào năm 2022, khi được Nhóm đồng đẳng Sao Va tư vấn và hướng dẫn dùng Methadone và thuốc ARV điều trị bệnh, hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng hằng tuần. Đến nay sức khỏe anh T. dần ổn định. Anh bộc bạch: “Nhờ có nhóm Sao Va giúp đỡ, khuyên bảo, tôi uống thuốc, thấy khỏe hơn. Trải qua thời gian chìm trong nghiện ngập, tôi thấm thía nỗi khổ, đau đớn của những người nghiện lỡ dính vào loại độc dược gây nghiện này nên tôi đã quyết tâm cai ma túy. Giờ đã đi làm được rẫy, gùi được ngô, tôi rất vui mừng”.
Từng tuyệt vọng có ý định tự sát vì bị mọi người kỳ thị, xa lánh bởi nhiễm HIV mà bản thân mắc phải khi dùng chung bơm kim tiêm với bạn nghiện, anh Lô Thanh Nhất (trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong) là điển hình của sự nỗ lực đứng lên làm lại cuộc đời sau vấp ngã. Không ngại khi kể về quãng thời gian tăm tối của mình, từng vướng vào ma túy, dùng chung bơm kim tiêm, Nhất nhiễm HIV lúc nào không hay. “Tôi may mắn có bố mẹ yêu thương, chia sẻ nên đã có động lực trong cuộc sống. Đặc biệt, khi được các đồng đẳng viên tìm đến trò chuyện mỗi ngày, tôi dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống, bắt đầu cai nghiện ma túy và uống thuốc điều trị HIV. Vui hơn nữa, giờ tôi không còn phụ thuộc Methadone và đã trở thành một thành viên của Nhóm đồng đẳng Sao Va từ năm 2021 để giúp những người cùng cảnh ngộ điều trị bệnh, hướng dẫn các biện pháp làm giảm lây nhiễm bệnh, tái hòa nhập cộng đồng”, anh Lô Thanh Nhất chia sẻ.
Những bước chân không mỏi
Chị K., anh T. và anh Nhất là 3 trong rất nhiều trường hợp mà Nhóm đồng đẳng Sao Va đã tư vấn, vận động, thuyết phục thành công. Sao Va - nhóm cộng đồng hỗ trợ những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An (gọi tắt là Nhóm đồng đẳng Sao Va) - với sự hỗ trợ của SCDI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng) được thành lập từ năm 2021. Trong số 9 thành viên, duy nhất trưởng nhóm Lang Chung Hiền - cán bộ Phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Quế Phong) không phải là người nghiện và nhiễm HIV, 8 thành viên còn lại đều đang uống Methadone và thuốc ARV để điều trị HIV. Từ ngày thành lập, nhóm đã giúp hàng trăm người nhiễm HIV trên địa bàn được tiếp cận với thuốc điều trị.
Mỗi thành viên trong nhóm đều trang bị cho mình kiến thức cơ bản đến chuyên sâu về những người nghiện ma túy, người nhiễm HIV. Họ tìm cách tiếp cận, vận động các đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện ma túy, gia đình có người nhiễm HIV... sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, dùng kim tiêm riêng khi chích ma túy, đi xét nghiệm sàng lọc HIV rồi kết nối họ vào chương trình điều trị bằng thuốc ARV nếu họ nhiễm virus HIV.
Hằng tháng, mỗi người sẽ chăm sóc, tiếp cận 40-60 người nghi mắc HIV. Mặc dù công việc gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, đường sá đi lại gập ghềnh, nhiều sông suối, núi đồi nhưng các đồng đẳng viên của nhóm luôn sẵn sàng đi vào các “điểm nóng” HIV với phương châm: “Chỉ cần tôi biết bạn nhiễm, tôi sẽ có mặt hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh”.
Bởi từng là những người vướng vào tệ nạn ma túy và nhiễm HIV, từng tuyệt vọng nên hơn ai hết, những thành viên của Nhóm đồng đẳng Sao Va luôn thấu hiểu và cố gắng vận động người nhiễm HIV sử dụng thuốc và tuyên truyền, phát miễn phí bơm kim tiêm, bao cao su cho họ. Cũng có lúc, khi vượt qua quãng đường đồi núi khó khăn, hiểm trở mới tiếp cận được bản của người bệnh thì nhóm lại bị xua đuổi, người bệnh trốn tránh. Nhóm phải tìm cách lấy số điện thoại, gọi điện trò chuyện để trấn an, thuyết phục.
Vào mỗi sáng sớm, sau khi uống thuốc, anh Lô Thanh Nhất chuẩn bị kim tiêm, bao cao su, thuốc men, sổ sách ghi chép rồi lên chiếc xe máy cà tàng chạy đến khắp các bản làng ở các xã thuộc huyện Quế Phong tiếp cận với những người có nguy cơ mắc HIV. Mỗi khi tìm gặp những người nghi nhiễm HIV, anh thường không đi thẳng vào vấn đề ngay mà lân la chuyện trò, hỏi thăm về cuộc sống. Chỉ đến khi nào họ thực sự cởi mở, anh mới chia sẻ các kiến thức, cách phòng tránh, phương thức điều trị HIV.
Anh cũng kể cho “khách hàng” nghe câu chuyện chính mình từng muốn kết thúc cuộc đời khi biết bản thân mắc bệnh và đã dùng thuốc, nay sức khỏe ổn định như thế nào... Khi ấy, họ mới đồng ý đi xét nghiệm, dùng thuốc để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng. “Cán bộ mà cũng bị HIV à?”, “Uống thuốc nhanh chết hơn” - đó là những câu hỏi mà tôi thường gặp phải khi đi tư vấn, hỗ trợ. Tôi đã kể câu chuyện của bản thân, của sự nỗ lực và kiên trì uống thuốc, chữa trị nên đã thuyết phục được họ”, anh Nhất kể.
Là thành viên nữ duy nhất trong nhóm, chị Lữ Thị L. (trú tại xã Châu Kim, huyện Quế Phong) chia sẻ: Nhiều người rất sợ bệnh HIV cũng như sợ người khác biết mình mắc bệnh nên họ ngại đến các cơ sở y tế. Bởi vậy, khi đến gặp những người nghi nhiễm, chúng tôi thường có cách tiếp cận riêng để có được lòng tin của những người này. Bởi, khi có được lòng tin thì việc lấy test cũng sẽ dễ dàng hơn. Trong thời gian chờ kết quả test, các thành viên chủ động nói chuyện để người bệnh vơi bớt lo lắng. Khi có kết quả dương tính, nhóm sẽ thuyết phục và chở người mắc bệnh đến trung tâm y tế làm khẳng định luôn. Trên đường đi là bao nhiêu chuyện họ hỏi, bao nhiêu lo lắng họ tâm sự, nhóm đều lắng nghe và tư vấn cụ thể để họ thật yên tâm điều trị.
“Hiện vẫn còn tình trạng kỳ thị người nhiễm HIV. Nên, có người biết mình đến vận động thì đi trốn. Mình lại cần nhẫn nại, kiên trì bám, nắm, tìm dịp phù hợp để tiếp xúc, lắng nghe và chia sẻ. Tôi luôn động viên người bệnh rằng: “Bệnh này giờ cũng bình thường như bao bệnh khác”, “Nếu mắc phải thì cố gắng uống thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh sẽ giảm dần”, cốt lõi là tư vấn cho họ hiểu rõ căn bệnh cũng như cách phòng tránh để họ yên tâm hơn”, chị L. nói.
Hiện tại, nhóm có thể hỗ trợ những người nghi nhiễm và dương tính với HIV ở hai vùng Tây Nam và Tây Bắc (tỉnh Nghệ An). Từ những “vấp ngã” của bản thân, nhận ra sai lầm và đứng lên làm lại cuộc đời, dù tiền phụ cấp ít ỏi (khoảng 1,5-2 triệu đồng/người/tháng), nhưng Nhóm đồng đẳng Sao Va vẫn hoạt động rất tích cực, nhiệt tình, không chỉ tạo cơ hội giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ mà để họ thấy được mình còn có ích, có cơ hội làm lại cuộc đời.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của ngành y tế, chính quyền các địa phương và kết quả tích cực của đề án xã biên giới sạch ma túy, thì đóng góp của Nhóm đồng đẳng Sao Va đang nỗ lực từng ngày để lan tỏa những thông điệp về phòng, chống lây truyền HIV, đồng thời, lên tiếng để giảm kỳ thị đối với bệnh AIDS trong cộng đồng...