Bế tắc

Ngày 03/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30 ngày 04/3/2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 07, Sở Y tế Hà Tĩnh nhanh chóng có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở y tế trong toàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tắc nghẽn trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm.

r-1683599715.jpg
Tình trạng thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại BVĐK Hà Tĩnh đã kéo dài hơn 9 tháng. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh cho thấy, việc tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt vật tư, hóa chất, sinh phẩm chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, nếu không muốn nói… bế tắc.

Trong các văn bản báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài chính đều nhấn mạnh lo ngại, khi chưa có kết quả đấu thầu lại, theo quy định cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh thì thỏa thuận khung không thể thực hiện gia hạn thêm thời gian và sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/4. Lúc này nguy cơ thiếu hụt vật tư, hóa chất, sinh phẩm sẽ diễn ra trong toàn tỉnh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người dân tham gia BHYT.

Theo lãnh đạo bệnh viện này, tình trạng thiếu hụt vật tư, hóa chất, sinh phẩm xảy ra từ tháng 8/2022 và hiện tại vẫn đang tiếp diễn nặng nề. Trong đó, hóa chất, sinh phẩm thiếu chủ yếu phục vụ xét nghiệm chức năng gan, công thức máu, một số xét nghiệm sinh học phân tử…

Vật tư thiếu gồm xông tiểu, xi sọ não, canyn ngáng lưỡi… Đặc biệt, một số loại vật tư cấp cứu như vòng cao su cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa... cũng không có sẵn tại đơn vị.

Do thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm nên bệnh viện phải tham khảo kết quả xét nghiệm của các đơn vị bên ngoài mà việc này dẫn đến không kiểm soát được độ chính xác và thời gian chờ xét nghiệm chậm trễ hơn so với thực hiện tại bệnh viện, ảnh hưởng trực tiếp đến “thời gian vàng” cứu chữa bệnh nhân dân.

Trường hợp cần các chỉ định trong quá trình phẫu thuật, điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác (chuyển tuyến) hoặc giải thích, động viên, tư vấn bệnh nhân đi xét nghiệm ngoài.

“Trong thời gian qua, chúng tôi đã phải cho chuyển tuyến nhiều ca bệnh vì không thể làm xét nghiệm máu để phẫu thuật. Căng nhất là khi có các ca bệnh tai nạn giao thông, mất máu cấp vào lúc đêm khuya, rạng sáng, khi đó, các cơ sở y tế tư nhân đã nghỉ làm, không thể làm dịch vụ xét nghiệm nên khó khăn cho các y bác sỹ trong chẩn đoán, cấp cứu và điều trị cho người bệnh”, ông Lê Ngọc Thanh, Phó Giám đốc BVĐK Hà Tĩnh cho hay.

Là người trực tiếp điều hành thực hiện các xét nghiệm chức năng gan, thận, điện giải đồ theo dõi bệnh nhân hồi sức, chạy thận… tại BVĐK tỉnh, thạc sĩ Cao Văn Hùng, Trưởng khoa Sinh hóa cho biết, các hóa chất phục vụ những xét nghiệm trên đã thiếu từ 4 đến 5 tháng nay.

j-1683599734.jpg
Thực trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh cũng như quyền lợi của người dân tham gia BHYT. Ảnh: Thanh Nga.

“Không có hóa chất, sinh phẩm thực hiện các xét nghiệm đồng nghĩa cắt nguồn thông tin phục vụ việc chẩn đoán, điều trị của bác sỹ chuyên môn”, ông Cao Văn Hùng nói.

Thất bại do không có doanh nghiệp dự thầu

Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, vật tư, hóa chất, sinh phẩm thiếu hụt là các mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung. Trong năm 2022, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Hà Tĩnh (Sở Tài chính) tổ chức đầu thầu 2 gói thầu vật tư, hóa chất, sinh phẩm tại BVĐK Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, kết quả đóng thầu chỉ có 6/17 phần thực hiện thành công, với giá trị khoảng 90 tỷ đồng; 11 phần còn lại (tương ứng 2.110 mặt hàng và số tiền dự kiến hơn 272 tỷ đồng) thất bại do không có doanh nghiệp dự thầu.

jj-1683599759.jpg
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 19 cơ sở y tế công lập thì hầu hết các đơn vị đều gặp chung một cảnh ngộ thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh: “Năm 2022 là năm đầu tiên trong lịch sử đấu thầu không thành công. Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân đấu không thành công, không phải do mua sắm tập trung mà là do “cú sốc” năm 2022”.

Tại thời điểm mời thầu, giá các loại vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm biến động; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt quãng; một số vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chưa được kê khai về giá theo quy định tại Nghị định 98. Ngoài ra, trong bối cảnh thời điểm đó phát hiện nhiều vụ việc vi phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế trên toàn quốc nên các nhà thầu e ngại tham dự đấu thầu.

Mặt khác, giá thẩm định của Nhà nước thấp hơn giá thị trường rất nhiều nên các nhà thầu không mặn mà.

Trả lời câu hỏi của PV: “Có hay không tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm nên đùn đẩy, làm chậm quá trình đấu thầu các gói thầu vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm?”, ông Nguyễn Quốc Hương khẳng định: “Hoàn toàn không có việc đó. Hội đồng thẩm định giá Nhà nước, cán bộ Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh thời gian qua đã làm việc đúng trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật”.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, ảnh hưởng của khủng hoảng giá thiết bị, vật tư y tế thời gian qua đã khiến các cán bộ, đơn vị liên quan thẩm định giá cẩn trọng hơn, thời gian thẩm định vì thế kéo dài hơn. Sở đã chỉ đạo Trung tâm tư vấn và Dịch vụ tài chính Hà Tĩnh triển khai các giải pháp, cố gắng tổ chức mua sắm sớm nhất các mặt hàng vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm chưa trúng thầu năm 2022. Dự kiến giữa tháng 7/2023 sẽ có kết quả đấu thầu lại.

k-1683599780.jpg
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc thiếu vật tư, hóa chất, sinh phẩm là do đấu thầu tập trung không thành công tới 11/17 phần. Ảnh: Thanh Nga.

Quá trình đấu thầu lần 2, trường hợp phát sinh các gói thầu không thành công, Sở Tài chính, Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp Sở Y tế báo cáo, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý. Giải pháp trước mắt là đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho phép các đơn vị tự tổ chức mua sắm để đảm bảo vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong bối cảnh các gói thầu về hóa chất, sinh phẩm không có đơn vị dự thầu, nhiều cơ sở y tế đã thực hiện mua sắm các gói nhỏ (dưới 100 triệu đồng) theo hình thức cấp bách phục vụ điều trị.

Tuy nhiên, để thực hiện được 1 gói thầu này phải làm hồ sơ, thủ tục mất khoảng 1 tháng/gói. Trong khi nhu cầu của bệnh viện 1 tháng cần khoảng 2 tỷ đồng vật tư, hóa chất, sinh phẩm… Vì vậy phương án mua sắm của bệnh viện chỉ đáp ứng các loại vật tư, hóa chất tối thiểu đặc biệt cho nhu cầu cấp cứu, không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Theo Thanh Nga - nongnghiep.vn