Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Hoàn Mỹ Thủ Đức sau hai ngày bị sốt. Điều trị sốt xuất huyết thêm hai ngày, người bệnh vẫn sốt cao, xuất hiện triệu chứng mới là đau tức ngực, khó thở, thở nhanh, suy hô hấp với SpO2 chỉ 82% (bình thường 95-100%). Phim Xquang ghi nhận tổn thương lan tỏa hai phổi. Xét nghiệm cho thấy oxy trong máu giảm, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Phan Thanh Toàn, Trưởng khoa Nội, ngày 26/7 cho biết đây là trường hợp đặc biệt bởi viêm phổi có suy hô hấp là biến chứng nguy hiểm không thường gặp của sốt xuất huyết. Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân diễn tiến nặng, có thể dẫn tới các biến chứng khác nặng hơn, đe dọa tính mạng. Người bệnh đang mang thai nên việc dùng loại thuốc nào, liều lượng ra sao đều phải rất cân nhắc với sự hội chẩn, tham gia của bác sĩ sản khoa.
Bên cạnh thuốc, điều chỉnh kháng sinh, các bác sĩ phối hợp nhiều biện pháp điều trị, giúp bệnh nhân dần hồi phục, giảm sốt, bớt khó thở và tức ngực, cai được oxy. Ngày thứ 6, bệnh nhân nổi ban tứ chi, ngứa toàn thân, hết sốt hẳn, là các dấu hiệu của sốt xuất huyết giai đoạn hồi phục. Các bác sĩ tiếp tục điều trị viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết theo phác đồ. Đến ngày thứ 11, Xquang phổi cho thấy tổn thương giảm, các chỉ số xét nghiệm gần như trở về bình thường.
"May mắn bệnh nhân này đi khám sớm, được cho nhập viện sớm từ những ngày đầu nên diễn tiến bất lợi của sốt xuất huyết và bệnh đi kèm đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời", bác sĩ Toàn phân tích.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cảnh giác với các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, mệt mỏi. Khi đã có triệu chứng nghi ngờ, nhanh chóng đến khám tại cơ sở y tế để xử trí kịp thời, được chỉ định nhập viện đúng thời điểm, không để bệnh diễn tiến nặng. Người bệnh sốt xuất huyết điều trị ngoại trú cần tuân thủ tốt lời dặn bác sĩ, tái khám ngay khi có triệu chứng bất thường để được đánh giá xem có cần nhập viện hay có bệnh khác mới khởi phát không.
Đặc biệt, người bệnh cần được nhập viện sớm nếu thuộc các trường hợp như sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; dư cân, béo phì; phụ nữ có thai; người 60 tuổi trở lên; người có bệnh mạn tính đi kèm như thận, tim, gan, hen, bệnh phổi tắc nghẽn khó kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu tán huyết, tan máu bẩm sinh...
Bệnh sốt xuất huyết gây ra do nhiễm virus Dengue bởi muỗi vằn mang mầm bệnh truyền từ người bệnh sang người lành. Triệu chứng của bệnh đa dạng, thường gặp nhất là sốt, kế đến là đau cơ, đau nhức xương khớp, da sung huyết, chảy máu niêm mạc, buồn nôn, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy... Bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nặng đe dọa tính mạng. Quá trình bệnh được chia làm ba giai đoạn, gồm giai đoạn sốt (ngày 1-3), giai đoạn nguy hiểm (từ ngày 3 đến ngày 7), giai đoạn hồi phục (thường từ ngày 7 đến ngày 10). Các diễn tiến nặng của bệnh thường rơi vào ngày 4 trở đi.
TP HCM đang trong đợt cao điểm dịch bệnh sốt xuất huyết, với số ca mắc, số bệnh nặng, tử vong tăng nhanh trong những tuần gần đây. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa như không để muỗi đốt (ngủ mùng, diệt muỗi), phát hoang bụi rậm, không để nước tù nước đọng, diệt loăng quăng...