Để “né” các hồ sơ thủ tục về xây dựng hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đã chia nhỏ thành 8 dự án với 8 pháp nhân khác nhau...
Sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành “Trang trại tổng hợp Trung Lễ” tại xã Lâm Trung Thủy (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Tập đoàn Hoành Sơn đã ngang nhiên lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái 7MW.
Dư luận đặt nghi vấn
Theo quy định hiện hành, dự án điện mặt trời có công suất trên 1MW phải được Bộ Công thương cấp phép đưa vào quy hoạch điện lực quốc gia. Tuy nhiên, dự án nói trên của Tập đoàn Hoành Sơn không phải thực hiện các thủ tục đó vì chủ đầu tư đã chia nhỏ thành 8 dự án với 8 pháp nhân khác nhau mới được thành lập cuối 2020.
Theo chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, nếu đưa vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ điện trong thời gian từ ngày 1/7/2019 đến 31/12/2020 sẽ được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ. Theo hồ sơ, 8 công ty nêu trên đều tiến hành đấu nối, ký hợp hợp đồng bán điện cho Công ty Điện lực Hà Tĩnh vào ngày 28/12/2020. Dư luận đặt nghi vấn liệu Tập đoàn này có gấp rút triển khai dự án khi chưa hoàn thành hồ sơ pháp lý để hưởng ưu đãi này?.
Chính quyền địa phương tiếp tay?
Theo ông Phan Văn Anh, Trưởng phòng kinh doanh (Công ty Điện lực Hà Tĩnh), công ty thỏa thuận cho đấu nối, ký hợp đồng mua điện khi chủ đầu tư thực hiện đúng các bước theo quy định. Còn việc lập dự án nông nghiệp, cho chuyển đổi đất như thế nào là do chính quyền địa phương quản lý.
“Để đấu nối đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình trang trại, ngoài các thủ tục theo quy định, chủ đầu tư cần cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình và bổ sung xác nhận của UBND cấp xã hoặc huyện về việc khai báo xây dựng trang trại trong hồ sơ đăng ký/thỏa thuận đấu nối điện hoặc hợp đồng mua bán điện”, ông Anh nói.
Mặc dù thừa nhận việc doanh nghiệp xây dựng trang trại, khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý là sai quy định nhưng ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) vẫn xác nhận vào tờ khai để chủ đầu tư hợp thức hóa hồ sơ đấu nối, mua bán điện với công ty Điện lực Hà Tĩnh.
“Dù chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã tự thỏa thuận chuyển nhượng đất và tiến hành chăn nuôi từ năm 2015 chứ không phải bây giờ mới làm”, ông Thọ nói./.