Tại cuộc họp báo trên truyền hình vào mùa xuân năm 1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tuyên bố, Mỹ vừa gửi những chiến binh đầu tiên đến miền Nam Việt Nam, sẽ bào mòn lực lượng Việt Cộng đang trong thế kẹt. “Trong bốn năm rưỡi qua, Việt Cộng, những người Cộng sản, đã mất 89.000 người. Các bạn có thể thấy sự tổn thất nặng nề”, ông nói. Đó là một lời nói dối.
Từ các báo cáo mật, Bộ trưởng McNamara biết tình hình “tồi tệ và xấu đi” ở miền Nam Việt Nam. Những lời nói dối như của ông McNamara là quy luật, không phải là ngoại lệ, trong suốt quá trình Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam.
Bộ trưởng McNamara biết rằng, ngay cả khi có gần 500.000 quân Mỹ tham gia, cuộc chiến vẫn đi vào bế tắc. Ông đã thành lập một nhóm nghiên cứu để tổng hợp và phân tích việc ra quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ từ năm 1945.
Là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời hai Tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson, ông McNamara là kiến trúc sư của cuộc chiến và liên quan đến những lời nói dối. Quy mô những lời nói dối được tiết lộ là vô cùng lớn, và đối với phần lớn công chúng Mỹ, sự lừa dối này đã gieo rắc mối nghi ngờ về chính phủ Mỹ.
Hồ sơ Lầu Năm Góc gồm 47 tập, bao gồm các văn bản hành chính của Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson.
7.000 trang hồ sơ đã ghi lại làm thế nào mà Mỹ lại sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài, tốn kém tại một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé. Đó là một hồ sơ thiết yếu về cuộc chiến đầu tiên mà Mỹ để thua. Đối với các nhà sử học hiện đại, nó báo trước những tư duy và tính toán sai lầm đã khiến Mỹ sa lầy vào các cuộc chiến bất tận ở Iraq và Afghanistan.
Lỗi ban đầu là quyết định ủng hộ sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam. Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã trợ cấp nỗ lực giành lại các thuộc địa Đông Dương của họ. Rồi trong Chiến tranh Lạnh, Washington lại coi nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh như bình phong cho chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô.
Các sĩ quan tình báo Mỹ tại hiện trường nói thực tế không phải vậy; họ không tìm thấy bằng chứng nào về âm mưu của Liên Xô nhằm kiểm soát Việt Nam. Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower cho rằng, việc đánh bại Cộng sản Việt Nam là điều cần thiết “để ngăn chặn sự bành trướng hơn nữa của Cộng sản ở châu Á”; nếu Việt Nam trở thành nước Cộng sản thì các nước Đông Nam Á sẽ sụp đổ như quân cờ domino. Mỹ tiếp tục cuộc chiến, ủng hộ hết mình cho ông Ngô Đình Diệm - nhà lãnh đạo chuyên quyền của miền Nam Việt Nam chống Cộng sản.
Rồi đến lúc Tổng thống Kennedy phải giải quyết vấn đề đã được dự đoán từ lâu. Sau khi đối mặt Liên Xô trong cuộc khủng hoảng Berlin, Tổng thống Kennedy muốn tránh bất kỳ dấu hiệu mệt mỏi nào của Chiến tranh Lạnh và dễ dàng chấp nhận lời khuyên của ông McNamara nhằm làm sâu sắc hơn cam kết của Mỹ đối với Sài Gòn.
Bộ trưởng Quốc phòng viết trong một báo cáo:“Việc mất miền Nam Việt Nam sẽ khiến bất kỳ cuộc thảo luận nào về tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với thế giới tự do trở nên vô nghĩa”. Tổng thống Kennedy đã tăng số cố vấn quân sự Mỹ lên gấp 10 lần và đưa ra các nhiệm vụ trực thăng.
Để đổi lại sự ủng hộ, Tổng thống Kennedy muốn ông Diệm thực hiện các cải cách dân chủ, nhưng ông này từ chối. Sau đó xuất hiện cuộc nổi dậy quy mô lớn ở miền Nam Việt Nam, do các tu sĩ Phật giáo lãnh đạo. Lo sợ bị mất quyền lực, các tướng lĩnh Nam Việt Nam bí mật nhận được sự chấp thuận của Mỹ để lật đổ ông Diệm.
Cuộc đảo chính kết thúc với việc ông Diệm bị giết và sự can dự sâu hơn của người Mỹ vào cuộc chiến. Ba tuần sau, Tổng thống Kennedy bị ám sát, và vấn đề Việt Nam rơi vào tay Tổng thống Johnson. Ông đã cho các quan chức bí mật soạn thảo một nghị quyết để Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền tham chiến ở Việt Nam mà không chính thức tuyên chiến.
Nhưng không có cớ để tham chiến ở Việt Nam, Mỹ cần có một sự kiện kiểu “Trân Châu Cảng” quy mô nhỏ để vin vào. Điều đó xảy ra ngày 4/8/1964, khi Nhà Trắng tuyên bố miền Bắc Việt Nam vô cớ tấn công tàu khu trục Mỹ U.S.S. Maddox trên vùng biển quốc tế Vịnh Bắc Bộ.
Tướng William C. Westmoreland, người đứng đầu lực lượng Mỹ tại Việt Nam, đã chỉ huy quân đội miền Nam Việt Nam trong khi họ tổ chức các cuộc đột kích bí mật vào các đảo ở miền Bắc Việt Nam. Theo một báo cáo, tàu thuyền của miền Bắc Việt Nam đã chống trả và “nhầm tàu Maddox với tàu hộ tống của miền Nam Việt Nam”.
Làm chứng trước Thượng viện, Bộ trưởng McNamara nói dối, phủ nhận bất kỳ sự can dự nào của Mỹ trong các cuộc tấn công Vịnh Bắc Bộ. “Hải quân của chúng tôi hoàn toàn không tham gia, không liên quan, không biết về bất kỳ hành động nào của phía Nam Việt Nam, nếu có”, ông nói.
Ba ngày sau khi công bố “vụ tấn công” trên Vịnh Bắc Bộ, chính quyền Mỹ thuyết phục Quốc hội thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ phê chuẩn và ủng hộ “quyết tâm của Tổng thống, với tư cách là Tổng tư lệnh, thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào chống lại lực lượng của Mỹ và để ngăn chặn sự gây hấn hơn nữa”.
Bảy tháng sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 1964, Tổng thống Johnson gửi quân tham chiến tới Việt Nam mà không tuyên chiến - một quyết định được bao phủ trong những lời dối trá.
Việc triển khai ban đầu 20.000 quân được mô tả là “lực lượng hỗ trợ quân sự” theo “sự thay đổi nhiệm vụ” để “cho phép sử dụng tích cực hơn” ở Việt Nam. Không có gì mới. Như Hồ sơ Lầu Năm Góc sau đó cho thấy, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sửa đổi mục tiêu chiến tranh của mình: “70% để tránh thất bại nhục nhã của Mỹ, 20% để giữ lãnh thổ Nam Việt Nam (và sau đó là lãnh thổ liền kề) khỏi tay Trung Quốc, 10% để cho phép người dân miền Nam Việt Nam tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, tự do hơn”.
Cuối cùng, hoàn toàn vỡ mộng, Bộ trưởng McNamara lập luận với tổng thống trong một bản ghi nhớ năm 1967 rằng, đổ nhiều quân hơn, ném bom nhiều hơn cũng không thể thắng được cuộc chiến.
Ông đề nghị Mỹ tuyên bố chiến thắng và từ từ rút quân. Và trong một lần hiếm hoi thừa nhận về những đau khổ mà người dân Việt Nam phải chịu đựng vì chiến tranh, ông viết: “Bức tranh về siêu cường vĩ đại nhất thế giới mỗi tuần giết chết hoặc làm bị thương nặng 1.000 người không tham chiến, trong khi cố gắng buộc một quốc gia lạc hậu nhỏ bé phải phục tùng về một vấn đề mà sự xứng đáng của vấn đề đang gây tranh cãi kịch liệt, không phải là một bức tranh đẹp”.
“Thời gian quả là dài nhưng giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nam đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh nhưng quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi”.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara (nói với các nhà báo hôm 10/11/1995)
Năm 1968, Tổng thống Johnson tuyên bố sẽ không tái tranh cử; Việt Nam đã trở thành Waterloo của ông ấy. Ông Nixon trở thành ông chủ Nhà Trắng với lời hứa mang lại hòa bình cho Việt Nam. Nhưng thay vào đó, ông mở rộng cuộc chiến bằng cách xâm lược Campuchia.
Ngày 30/4/1975, dân tộc Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc chiến, làm xói mòn lý thuyết domino - lời nói dối cơ bản của chiến tranh./.