Chiếc xà lan sắt được hộ tống bởi hai ca nô kẹp hai bên hông chạy hết tốc lực từ bên này sang bên kia sông, đến vòng thứ ba thì một quả bom nổ tung trời, rồi những quả bom còn lại liên tiếp nổ theo sau đó. Xà lan chìm, ông Chế cùng các đồng đội bị sức ép của bom hất lên trời rơi xuống, bất tỉnh.
Ngược dòng lịch sử, ngày 5/8/1964, Mỹ đã dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” rồi huy động một lực lượng lớn không quân, hải quân leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc, chặn đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Do vậy, từ năm 1964 cho đến năm 1972, hàng loạt cửa sông, cửa biển, hải cảng của miền Bắc liên tục bị bom Mỹ dội xuống suốt ngày đêm, phá hỏng nhiều cầu phà, đường sá, huyết mạch giao thông tiếp tế hàng hóa cho chiến trường miền Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Cùng chung với cả nước, trong những năm tháng ấy, phà Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An) là “yết hầu” quan trọng cũng thường xuyên bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
Ông Nguyễn Đăng Chế, nguyên Trưởng phà Bến Thủy nhớ lại: Cuối tháng 11/1972, máy bay Mỹ liên tục dội bom xuống khu vực phà Bến Thủy, theo đài quan sát của đơn vị đóng trên rú Quyết thì còn có ít nhất 8 quả bom từ trường đang nằm dưới sông Lam chưa nổ, phà bị tắc đã hơn một tuần, tàu thuyền không dám qua lại, việc tiếp tế hàng hóa cho chiến trường miền Nam vì thế không thể thông suốt.
Lúc này, yêu cầu cấp thiết từ Trung ương đến tỉnh và ngành giao thông là phải khai thông phà Bến Thủy để vận chuyển hàng hóa qua sông, không thể chậm trễ. Thế nhưng, nếu bất chấp bom từ trường dưới lòng sông chưa nổ, mạo hiểm vận chuyển hàng hóa qua sông thì chưa thể dự đoán được con số thương vong, tổn thất nếu bom bị kích nổ dây chuyền. Đó chính là điều ông Chế và những người chỉ huy bến phà quan tâm, lo lắng nhất.
Sau nhiều ngày bàn bạc, phương án được đưa ra là dù có hy sinh cũng phải hoàn thành được nhiệm vụ khai thông phà Bến Thủy. Chỉ thị của cấp trên như vậy khiến ông Chế nhiều đêm suy nghĩ, tính toán các phương án cụ thể, song tính khả quan rất thấp, rủi ro lại khá cao mà không đạt hiệu quả.
Cuối cùng, ông Chế đã táo bạo đề nghị với cấp trên một phương án kích nổ bom từ trường “có một không hai” trong lịch sử, đó là sử dụng một xà lan có 2 ca nô kẹp hai bên chạy với tốc độ cao, chạy vòng từ bên này sang bên kia sông Lam theo kiểu bừa ruộng để kích nổ bom. Với phương án này, ông Chế đã lường trước sự hy sinh là điều khó tránh khỏi, song khi một quả bom được kích nổ chắc chắn các quả bom khác sẽ nổ theo và phà sẽ được khai thông.
Khi ông Chế trình bày trực tiếp phương án phá bom với ông Nguyễn Sỹ Hòa (Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đặc trách giao thông) về phương án kích nổ bom, ông Hòa có hỏi lại, ai sẽ là người chỉ huy chuyến phá bom này? Ông Chế liền đáp: “Tôi là trưởng phà, tôi sẽ trực tiếp đứng trên chuyến xà lan này để chỉ huy”. Nghe vậy, ông Hòa nghèn nghẹn cổ họng, nước mắt như muốn trào ra!
Sau khi được cấp trên nhất trí, ông Chế đã về họp bàn với đơn vị, làm công tác tư tưởng với cán bộ, chiến sĩ phà Bến Thủy, trình bày phương án rà phá bom, khai thông phà. Thật bất ngờ, trong đơn vị có nhiều người đã xung phong cùng Trưởng phà thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cao cả ấy. Song, ông Chế đã chọn ra 4 người mà ông thấy tin tưởng, an tâm giao nhiệm vụ, trong đó hai người lái ca nô đẩy phà, hai người chịu trách nhiệm buộc, tháo xích và ông Chế sẽ trực tiếp đứng trên phà chỉ huy.
Trước khi bước vào “trận chiến cuối cùng”, ông Chế và những người đồng đội đã được đơn vị tiến hành lễ “truy điệu sống” tại đơn vị rồi hành quân đến bến phà. Khoảng 15h ngày 23/11/1972, tổ phá bom 5 người xuống phà thực hiện phương án đã đề ra, hai chiếc ca nô chạy hết tốc lực từ bên này sang bên kia Sông Lam, vòng thứ nhất chưa thấy gì, vòng thứ hai cũng chưa thấy bom nổ nhưng đến vòng thứ ba thì một tiếng nổ vang trời, kéo theo những quả bom còn lại bị kích nổ dây chuyền, ông Chế và đồng đội bị sức ép bom hất lên không trung, rơi xuống và bất tỉnh.
Cả 5 người trong tổ phá bom được đồng đội đưa đi viện cấp cứu, ai cũng bị thương nặng, máu tươi sộc ra cả miệng và tai, thân thể đa chấn thương... Chính bản lĩnh của lòng quả cảm, can trường dám hy sinh của ông Chế và những người đồng đội quả cảm đã khai thông phà Bến Thủy sau một thời gian dài bị ách tắc.
Phải nhiều năm sau, ông Chế mới được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Đăng Chế cho hay, trong thời gian bị thương rồi nằm viện điều trị, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã cử nhà báo Thanh Phong của Báo Nghệ An đến bệnh viện thăm và đề nghị kê khai thành tích đề nghị nhà nước phong tặng anh hùng. Tuy nhiên, ông Chế đã nói với phóng viên rằng, khi nào khỏe lại, tự ông sẽ kê khai thành tích cho cấp trên, nhưng rồi ông Chế không khai thành tích.
Sau này ông Chế kể lại, thực ra thành tích của mình để người khác khai cũng không hay và cái sâu xa hơn, trước đó 14 ngày, có 8 chiến sĩ của ông vừa anh dũng hy sinh, ông nghĩ chiến sĩ của mình hy sinh, mình kê khai thành tích để phong anh hùng thì không nên, có lỗi với anh em. Vì thế, qua nhiều năm, chính bản thân ông Chế cũng không còn nhớ đến việc kê khai hồ sơ để được phong tặng Anh hùng LLVTND nữa.
Cho đến năm 2014, nghĩa là sau 42 năm, kể từ ngày chỉ huy chuyến ca nô cảm tử “mở đường máu” trên Sông Lam, những người bạn thân tín cùng thời với ông Chế đã khuyên bảo không nên để chiến công của ông bị lãng quên vào dĩ vãng. Đến khi đó ông Chế mới bắt đầu kê khai quá trình công tác và nhận được sự nhất trí cao của lãnh đạo ngành giao thông, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan.
Ngày 26/4/2018, ông Nguyễn Đăng Chế được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là kết quả xứng đáng, ghi nhận những đóng góp to lớn không chỉ riêng bản thân ông mà còn là máu xương của biết bao cán bộ ngành giao thông vận tải Nghệ An đã ngã xuống. Sáng kiến táo bạo, đạt hiệu quả cao của ông Chế đã góp phần không nhỏ đưa Đơn vị tự vệ phà Bến Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND lần thứ hai (Ngày 31/12/1973).
Anh hùng LLVTND Nguyễn Đăng Chế sinh năm 1942 tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ông Chế là con thứ 2 trong gia đình có 7 người con (anh trai đầu đã hy sinh tại chiến trường Campuchia). Tháng 7/1964, sau khi tốt nghiệp Trung cấp giao thông, ông Chế trở về Nghệ An nhận nhiệm vụ tại Ty Giao thông. Đó cũng là thời điểm đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, hòng cắt đứt mọi con đường chi viện cho miền Nam.
Năm 1969, khi đó mới 27 tuổi, ông Nguyễn Đăng Chế được Ty Giao thông vận tải và Ban Bảo đảm giao thông Nghệ An chọn giao nhiệm vụ Trưởng phà Bến Thủy. Trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, ông Chế đã cùng hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bám trụ tại phà Bến Thủy. Dù chiến tranh ác liệt, cuộc sống gian khổ nhưng không có một ai bỏ vị trí chiến đấu.