Trở lại Tà Cạ
Những ngày đầu năm, ngược biên giới xứ Nghệ, chúng tôi trở lại Tà Cạ, qua Sơn Hà, đến Bình Sơn và xuống Hòa Sơn, nơi cách đây hơn 4 tháng đã hứng chịu một trận lũ ống lịch sử khiến nhiều người chết, nhà trôi. Trong một đêm kinh hoàng, nước lũ đã cuốn đi mọi thứ. Tưởng chừng như cơn lũ sẽ nhấn chìm luôn cả ý chí, sức sống nhưng với quyết tâm vươn lên, vượt qua nghịch cảnh, bà con nơi đây đã đoàn kết, chung tay hồi sinh cho một cuộc sống mới, trên mảnh đất hoang tàn ấy. Từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi men theo con đường chạy dọc sông Nậm Mô, những vết nham nhở, sạt lở, lồi lõm… ảnh hưởng từ trận lũ quét vẫn còn hiện hữu.
Nhớ lại, đêm ngày 2 và rạng sáng ngày 3/10/2022, người dân xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) kinh hoàng chứng kiến một trận lũ ống “xưa nay hiếm” quét qua bản làng, sự tàn phá khủng khiếp đã cuốn phăng nhiều nhà cửa, tài sản của người dân. Trận lũ quét đã cuốn trôi 56 nhà dân, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hại. Nhiều công trình, trụ sở cơ quan nhà nước bị hư hỏng, ngập lụt, ước tính thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Suốt hơn một tháng sau đó, chính quyền địa phương huy động các lực lượng gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên, học sinh… khắc phục, hàng nghìn mét khối đất được dọn dẹp. Trên Quốc lộ 7, hàng trăm đoàn xe nối đuôi nhau ngược núi đến với bà con vùng lũ. Với mong muốn chia sẻ, động viên người dân nơi đây vượt qua hoạn nạn. Nhờ sự tương trợ của đồng bào cả nước, Tà Cạ nói riêng và Kỳ Sơn nói chung đã cơ bản khắc phục hậu quả của thiên tai, ổn định lại cuộc sống.
Ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận lũ lịch sử chính là hai bản Sơn Hà và Hòa Sơn, xã Tà Cạ. Sau trận lũ, cả hai bản có đến hơn 350 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, riêng bản Hòa Sơn có 250 hộ dân đang nằm trong nguy cơ sạt lở cao, cần di dời gấp. Trên mảnh đất đau thương ấy, những chồi non đã bắt đầu nảy nở, những căn nhà mới được dựng lên. Căn nhà của gia đình anh Lô Văn Tâm (42 tuổi) trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ nằm ngay chính đường đi của dòng nước lũ, căn nhà không những bị dòng nước cuốn phăng, mà còn bị vùi lấp gần 2m. Đến nay, sau hơn 4 tháng, trên nền đất ấy, một căn nhà mới xây bằng táp-lô, lợp tôn xanh đã mọc lên giúp gia đình anh đón cái tết ấm cúng, trọn vẹn. “Tưởng chừng mất tất cả, nhưng nhờ sự trợ giúp của chính quyền, sự chung tay của người dân cả nước, gia đình tôi cũng như hàng chục người dân nơi đây đã ổn định cuộc sống, vừa qua đã có cái tết sum vầy”. Anh Tâm cũng cho biết, ngoài sự hỗ trợ, vợ chồng anh vay mượn thêm để cất lại cái nhà bị lũ đánh sập, làm nơi trú ngụ cho cả gia đình.
Cũng tại bản Hòa Sơn, nhiều gia đình đã xây dựng lại nhà cửa, dù còn khó khăn thiếu thốn nhưng với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân nơi đây đã thực sự hồi sinh. Đang chăm vườn rau ngay cạnh con suối Huồi Giảng, bà Lô Thị Mai, bản Hòa Sơn vẫn chưa hết kinh hoàng khi trận lũ ống bất ngờ tràn về, ngôi nhà bà bị cuốn trôi một phần, vườn rau bị đất đá bồi lấp hơn 1m, nhưng nay đã sinh sôi trở lại. “Phải trở lại cuộc sống mưu sinh, nhà sập thì sửa, vườn hư thì ta làm lại, không thể cứ trông chờ vào trợ giúp, chúng tôi phải vượt lên”, đó không chỉ là chia sẻ của bà Mai mà của hàng trăm hộ dân nơi rẻo cao Tà Cạ.
Được biết, thời gian sau lũ, để giúp người dân khắc phục hậu quả, huyện Kỳ Sơn đã trích từ ngân sách hỗ trợ 163 hộ với 5 triệu đồng/hộ. Ban cứu trợ của địa phương thông qua nguồn xã hội hóa hỗ trợ 167 hộ dân với số tiền 5 triệu đồng/hộ. Không những vậy, đã có hơn 600 tổ chức, cá nhân hỗ trợ huyện Kỳ Sơn số tiền 55 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Cùng với đó, các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhiều tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân vùng tâm lũ Kỳ Sơn.
Đẩy nhanh tiến độ tái định cư
Dù cuộc sống đã trở lại, trẻ em đã đến trường và nhiều căn nhà mới mọc lên, sản xuất dần đi vào ổn định nhưng hàng trăm hộ dân vẫn chưa thể tái định cư, trong đó có rất nhiều hộ phải ở nhà người quen, thuê trọ, dựng lán để ở. Nằm ngay điểm cuối cùng của suối Huồi Giảng là bản Bình Sơn 1, nơi đây có 9 hộ nhà bị lũ đánh sập, đến nay vẫn chưa thể dọn đến nơi an toàn mà phải dựng lán ở tạm. Sau hơn 4 tháng xảy ra trận lũ quét, 11 con người gồm 3 thế hệ của gia đình ông Moong Văn Thi (57 tuổi) trú bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ vẫn phải tá túc trong căn lán dựng tạm, rộng chừng 15m2. Bởi, khu đất ngày xưa của gia đình ông đã thành suối, sạt lở, không an toàn. Trong khi chờ tái định cư, gia đình ông Thi đã phải mượn tạm mảnh đất của láng giềng để sống qua ngày.
Ông Thi nhớ lại, trận lũ lụt hôm đó, căn nhà sàn hai tầng nằm ven đường cùng toàn bộ tài sản trong nhà đã bị nước cuốn trôi xuống dòng sông Nậm Mộ. “Đến hôm nay, gia đình tôi vẫn chưa có nhà ở. Hiện 11 người trong gia đình tôi đang tá túc ở căn lều tạm trên đất mượn của hàng xóm. Chúng tôi mong mỏi từng ngày để được tái định cư, ổn định làm ăn” - ông Thi cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, bà La Thị Hồng Văn - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết: Trận lũ quét kinh hoàng đầu tháng 10/2022 xảy ra trên địa bàn xã Tà Cạ và một phần của thị trấn Mường Xén đã làm cho địa bàn này thiệt hại nặng nề. Đến nay, đã 4 tháng cơn lũ đi qua, nhưng trên địa bàn vẫn còn có hàng chục hộ gia đình chưa có nhà ở, hơn 300 hộ thuộc diện phải di dời. Hiện, một số hộ gia đình đang phải tá túc tại nhà người thân, thuê trọ hoặc dựng lán ngay nền đất cũ để ở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Hiện cái khó khăn trước mắt chính là nơi ở cho hơn 300 hộ dân sống trong vùng nguy cơ sạt lở, trong đó có hơn 70 hộ không có nhà ở, phải ở tạm, thuê trọ hoặc ở ghép với người thân. Riêng khu tái định cư, hiện đã được tỉnh cho chủ trương, các cơ quan chuyên môn đã thẩm định. “Chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thủ tục để dự án sớm triển khai sớm nhất để người dân chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn”- ông Minh khẳng định.
Theo Điền Bắc - Báo Đại Đoàn Kết