Bắt gặp khoảnh khắc chị D. đang ngắm bức ảnh gia đình trong chiếc điện thoại, thật không khó để nhìn thấy ánh mặt hiện rõ sự hạnh phúc của chị. Tâm sự với tôi, chị nói: “Đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời của tôi khi được chồng và hai con tổ chức sinh nhật bất ngờ. Tháng 7/2021, con trai lớn đi bộ đội, con gái đi học từ Vinh về tổ chức sinh nhật cho tôi”. Một người làm thuê tự do, áp lực kinh tế nên không có thời gian nghỉ ngơi, từ lâu chị D. không nhớ ngày sinh nhật của mình.

7-1658883581.jpg
Vợ chồng chị D. cùng nhau tô tranh khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ.

Nỗi đau không thể chia sẻ

Lấy nhau từ năm 2001 với mong muốn có người cùng san sẻ và tạo lập một gia đình hạnh phúc. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có chỗ ở nên vợ chồng chị D. phải dựng tạm một ngôi lều tranh trong rừng để có nơi trú tạm. Đến năm chị sinh con thứ hai được 2 tháng, trong lúc nóng giận chồng chị đã đốt cháy ngôi nhà đó. Chị D. chỉ kịp ôm con chạy. Không còn ai để nương tựa, chị đã bỏ chạy về nhà mẹ đẻ của mình.

Nhìn lại quá khứ chị cho biết, vì hoàn cảnh gia đình, chồng cũng vì thế mà đi biệt tăm biệt tích nhưng cứ về nhà lại bắt đầu bạo lực từ lời nói đến thân thể lên chị. Không được hỗ trợ từ chồng, mọi gánh vác kinh tế đè nặng lên chị.

Nhiều lần bị chồng đánh đến mức mặt mũi thâm tím, chị không dám ra ngoài để gặp gỡ mọi người và chia sẻ sự đau đớn của mình. Chị kể: “Nhiều lúc muốn chia sẻ nỗi lòng của mình nhưng chỉ dám gọi điện tâm sự với những người bạn ở xa để tin đó không bị đồn đến tai bố mẹ. Lúc đó cũng không dám ra ngoài vì sợ gặp hàng xóm”.

Chồng chị D. đã từng 2 lần bị tai nạn lao động nặng tưởng như không còn cứu chữa được nữa. Đầu năm 2021, khi lần tai nạn thứ 2 ập đến, chồng chị D. bị đứt dây chằng cổ chân và không có khả năng đi lại. Chị D. phải chạy khắp nơi vay mượn gần 70 triệu đồng để cứu chữa cho anh. Hàng ngày, thấy chị D. phải đi làm, chăm con, chăm chồng nhưng lại chẳng màng than trách mà chồng chị D. đã dần hiểu ra sự quan trọng từ gia đình, sự vun vén hạnh phúc của vợ.

Đời thay đổi khi... chồng thay đổi

Thời điểm đó, vợ chồng chị D. là một trong những thành viên được hỗ trợ từ dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thực hiện. Anh tham gia vào câu lạc bộ “Người đàn ông trách nhiệm”, chị D. tham gia câu lạc bộ “Sức sống mới”.

8-1658883618.jpg
Các cặp vợ chồng từng xảy ra bạo lực trong buổi tập huấn về bạo lực gia đình.

Những buổi sinh hoạt trong câu lạc bộ đã cho anh cơ hội được kết nối, lắng nghe những câu chuyện từ những người cùng tham gia. Ngoài ra, anh cũng được nghe nỗi đau mà những người vợ bị bạo hành phải chịu đựng. Từ đó giúp anh dần hiểu ra những hành động sai trái của mình. Sau 3 tháng tham gia, chị D. đã nhận thấy sự thay đổi rất nhiều từ anh.

Nếu như trước đây anh luôn áp đặt lên chị từ con đường đi làm hay tất cả những quyết định phải nghe theo ý kiến của anh thì giờ đây, việc gia đình đều được lắng nghe ý kiến từ cả hai. Anh đã chăm chỉ đi làm và đóng góp kinh tế cùng vợ để nuôi con cái ăn học. Những cuộc vui vẻ bên ngoài của anh cũng đã hạn chế và đặc biệt, nếu uống say về anh sẽ đi ngủ mà không lèm bèm như ngày trước.

Nhiều lúc ngồi tâm sự với chị, anh đã nhận ra lỗi lầm trước kia của mình. Thỉnh thoảng anh sẽ dành những lời động viên tới chị, mua những món ăn chị thích hay chở chị đến những nơi chị muốn đến.

Sau hơn 1 năm hưởng lợi từ Dự án, đối với chị D., những người phụ nữ trong câu lạc bộ đều có nhiều thay đổi tích cực trong cuộc sống và nhận thức. Họ có được cơ hội giãi bày những trải nghiệm tổn thương, đồng thời tìm thấy những khoảnh khắc của sự kiên cường, mạnh mẽ mình đã có để từ đó tự tin hơn vào chính mình. Ngoài ra, họ cũng được cung cấp kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa bạo lực và đảm bảo an toàn cho bản thân và con trẻ.

“Bây giờ khi vợ chồng tôi không may có những xích mích thì tôi sẽ sang nhà hàng xóm chơi, đến khi biết anh nguôi giận thì về và 2 vợ chồng sẽ không đề cập đến vấn đề đó nữa để tránh xảy ra mâu thuẫn.”, chị D. chia sẻ.

Không chỉ giúp đỡ về kiến thức, tổ chức Hagar còn giúp đỡ gia đình chị D. 1 con bò trị giá 15 triệu đồng vào cuối năm 2021. Đến nay, con bò đang mang thai và sẽ đẻ vào tháng 10 năm nay.

“Tôi cảm nhận cuộc sống đang dần tốt lên. Với tôi, con cái là động lực lớn nhất để vượt qua mọi khó khăn, vất vả đó”. Giờ đây, ngôi nhà của hai vợ chồng tuy không lớn nhưng đã được trang trí bên trong bằng những tiếng cười, bằng sự san sẻ và động viên từ các thành viên trong gia đình...

Khi dự án được triển khai vào năm 2020, hai xã Quỳnh Lương và Quỳnh Thắng (Nghệ An) đã thành lập Ban quản lý và các đội phản ứng nhanh với sự tham gia của lãnh đạo cốt cán chính quyền, cũng như các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn. Nhiệm vụ của đội phản ứng nhanh là kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực.

Là một thành viên trong đội Phản ứng nhanh hỗ trợ bạo lực gia đình trong khuôn khổ Dự án, ông Hồ Diên Cảnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Thắng cho biết: “Đội phản ứng nhanh đã tuyên truyền, vận động được 26 chị em là người bị bạo lực gia đình tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Sức sống mới và 18 nam giới là người gây bạo lực vào Câu lạc bộ Người đàn ông trách nhiệm. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhưng đều có điểm chung là nạn nhân/người gây bạo lực trong chính mái ấm của mình”.

Quá trình hỗ trợ chị em chia sẻ tâm tư tình cảm, góc khuất trong cuộc sống đã cho thấy còn nhiều quan niệm sai về bạo lực gia đình, thậm chí nhiều người không hiểu hành vi đó là bạo lực.

Ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên của tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Mục tiêu quan trọng nhất của Dự án là giúp phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng của bạo lực giới, cụ thể là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người... được tăng cường phúc lợi và vượt qua sang chấn do bạo lực xâm hại.

Cùng với tiếp cận, khơi gợi để người bị bạo lực chia sẻ câu chuyện của mình, để từ đó có phương án hỗ trợ cả về tâm lý, sức khỏe, kỹ năng, sinh kế. Dự án cũng hướng tới người gây bạo lực, cho họ cơ hội được chia sẻ những trải nghiệm tổn thương trong quá khứ, nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình, pháp luật và những cuộc tư vấn, can thiệp cá nhân. Ngoài ra, Dự án cũng có những buổi tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền và nhận thức của cộng đồng./.