Không chỉ công tác tư tưởng, lý luận, công tác xây dựng Đảng mà suốt cuộc đời hoạt động cách mạng tận trung với nước, tận hiếu với dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều sự tâm huyết, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

ytt-1722055789.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc tại buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ.


Thấm nhuần sâu sắc ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam, trong suốt 77 năm qua, nhất là gần 40 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị của mình là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có những đóng góp quan trọng về tư duy, lý luận quản lý xã hội và phát triển chính sách xã hội, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các lĩnh vực thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Năm 2017, phát biểu tại Lễ mít tinh Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tình cảm, sự tri ân đã xúc động chia sẻ: “Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nói. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền trong sử sách”.

Là một người cộng sản chân chính, cả đời dấn thân vì nước vì dân, hơn nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà văn hóa có tâm, tầm, trí, ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, sống, chiến đấu, lao động học tập ở một giai đoạn lịch sử vô cùng khó khăn, khốc liệt, nhiều thách thức của đất nước, Tổng Bí thư thấu hiểu sự hy sinh của các thương binh, bệnh binh, liệt sỹ và gia đình của họ. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư luôn chú trọng đề nghị các cấp lãnh đạo luôn quan tâm làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ, xây dựng, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ... Sự quan tâm ấy thể hiện đạo lý tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt thân mật 75 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hàng triệu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở khắp mọi miền Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng đó, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm: Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Nhân dân!”. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các thương binh, bệnh binh, người có công, các gia đình liệt sĩ đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu người có công tiêu biểu toàn quốc tại buổi gặp mặt thân mật nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Thấu hiểu và thấu cảm hoàn cảnh những người đã vì nước mà chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, Tổng Bí thư trên cương vị của mình đã chỉ đạo quyết liệt, cùng Ban Bí thư ra Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách với người có công. Chính Tổng Bí thư đã phát biểu: “Đây là yếu tố để đảm bảo công bằng xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ, củng cố niềm tin của người dân với Nhà nước. Cần đưa việc này thành hành động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội”. Việc ưu tiên nguồn lực giải quyết nhu cầu cấp thiết đối với người có công, đẩy mạnh phong trào xã hội hóa trên cơ sở kết hợp nguồn lực Nhà nước và xã hội, là việc làm nhân văn, sâu nặng tình người, đậm bản sắc văn hóa Việt.

Đặc biệt hơn nữa, trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “nhằm xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững, cần bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội; cần xây dựng một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”. Đây có thể nói là tư tưởng lớn thể hiện tấm lòng nhân văn, sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư về thực hiện công bằng xã hội, nhất là đối với những người yếu thế, những người không may mắn như thương binh, bệnh binh, người tàn tật, người nghèo…

Tấm lòng tri ân đối với người có công của Tổng Bí thư cũng gắn với sự quan tâm của Đảng ta về vấn đề này một cách thiết thực, hiệu quả, thể hiện qua các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây dựng “Nhà tình nghĩa”, sáng lập “Quỹ Đền ơn đáp nghĩa”, trao tặng “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Tình thương kêu gọi tình thương. Việc làm nhân ái đánh thức việc làm nhân ái. Những hoạt động trách nhiệm, tình nghĩa ấy được hưởng ứng rộng rãi trong toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng đầy ý nghĩa.

43-1722055835.jpg
 
444-1722055846.jpg
Dòng người xếp hàng dài chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đêm 25/7 tại Hà Nội (ảnh trên) và tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM (ảnh dưới)

Năm nay kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa. Liên tưởng thực tiễn, có điều gì đó thật tâm linh, cả tuần nay từ lúc Tổng Bí thư mất (19/7/2024 đến nay), không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng thực tế là Hà Nội và cả miền Bắc hầu như mưa và mưa rất to, nhiều ngày nay và đặc biệt, trong Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội; tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, rất nhiều người đã rơi nước mắt bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với Tổng Bí thư đáng kính,… Điều này làm tác giả liên tưởng đến những câu thơ của Tố Hữu viết trong những ngày tang lễ Bác Hồ cách đây 55 năm ứng nghiệm: “… Trời tuôn nước mắt, đời tuôn mưa”, lại đúng với cảnh này, khi mà Nhân dân trong nước và cả kiều bào ta ở nước ngoài, kể cả các chính khách của nhiều nước, nhiều tổ chức đều dành tình cảm rất đặc biệt cho Tổng Bí thư của chúng ta. Và cả đất trời nghiêng mình để tiễn người con ưu tú của dân tộc về với các vị cách mạng tiền bối, về với Tổ tiên, về với Bác Hồ, Bác Giáp... Cũng những ngày này của Tháng 7 linh thiêng năm 2024, cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ai cũng bồi hồi xúc động, có lẽ ai cũng tự nhủ với lòng mình sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn để xứng đáng với quá khứ vẻ vang, với các Anh hùng, liệt sỹ, thương binh, và với Đồng chí Tổng Bí thư kính yêu của Nhân dân ta, của đất nước ta, của dân tộc ta!