Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, với vaccine sản xuất trong nước, ngay từ đầu khi dịch bùng phát tại Việt Nam Bộ Y tế đã có chỉ đạo và khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vaccine.
Đến nay, Việt Nam có 3 "ứng cử viên" vaccine Covid-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, vaccine chuyển giao công nghệ ARCT-154.
Trong đó, vaccine Nanocovax do Nanogen nghiên cứu đã tiến tới đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Vaccine này đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng đạo đức) cũng như Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế họp đánh giá.
Theo đó, qua rà soát hồ sơ, "ứng cử viên" vaccine này vẫn còn một số dữ liệu Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị Nanogen bổ sung.
"Hiện Nanogen đang tập hợp, bổ sung dữ liệu theo yêu cầu. Sau đó, theo đề cương nghiên cứu, các hội đồng tiếp tục họp và nếu đủ điều kiện thì Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ trình Bộ Y tế cấp phép cho vaccine này", ông Tuyên nói.
Với vaccine Covivac của IVAC, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine này đã được đánh giá kết quả giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và đang ở giai đoạn hai nghiên cứu. Vaccine này đang được hoàn thiện đề cương, hồ sơ để thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, loại vaccine thứ ba là vaccine ARCT-154 được nhận chuyển giao công nghệ từ Hoa Kỳ. Vaccine này đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn hai và đang triển khai giai đoạn ba, theo đó đã tiêm thử nghiệm trên 1.000 tình nguyện viên.
"Cả ba ứng viên vaccine Covid-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Khi các đơn vị nghiên cứu vaccine hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng đạo đức và Hội đồng tư vấn cấp phép…", ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cho biết, trên cơ sở đánh giá của cả hai hội đồng trên, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép. "Vaccine là một sinh phẩm tiêm vào cơ thể con người nên yêu cầu đánh giá an toàn rất cao, bao gồm đánh giá tai biến tức thì và đánh giá ảnh hưởng lâu dài. Chúng ta sẽ không cấp phép vaccine khi chưa có nghiên cứu và đánh giá đầy đủ", ông Tuyên nói thêm.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực "ngoại giao vaccine" đã đưa số lượng vaccine lớn về Việt Nam. Đến nay, cơ bản người trên 18 tuổi tại Việt Nam đã tiêm đủ mũi một, mũi hai; tiêm được 47% mũi 3 vaccine Covid-19. Với trẻ em, độ tuổi từ 12 đến dưới 18, đã cơ bản tiêm đủ mũi một và mũi hai. Như vậy, độ bao phủ vaccine cho đối tượng trẻ em từ 12 tuổi trở lên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Theo đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chuyển chiến lược phòng chống dịch theo hướng "bình thường mới" và thực hiện 3 mục tiêu vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa đảm bảo kinh tế và an sinh xã hội.
Đặc biệt, vấn đề vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, từ đầu tháng 12/2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu, rà soát trên cơ sở báo cáo, đề xuất của 63 tỉnh, thành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị quyết mua vaccine. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine.
"Trong quá trình thảo luận và tiến tới ký kết mua vaccine với Pfizer, có một số tổ chức, một số quốc gia, đặc biệt, vừa rồi chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Australia, Hà Lan... đã cam kết sẽ hỗ trợ vaccine tiêm cho trẻ em. Do vậy, chúng tôi đang có điều chỉnh để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm sao vừa mua vaccine theo Nghị quyết của Chính phủ, vừa tiếp nhận vaccine viện trợ để đảm bảo tỷ lệ tiêm theo quy định".
Với vấn đề tạo đồng thuận khi tiêm vaccine cho trẻ em, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước khi triển khai tiêm, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát, đánh giá tỷ lệ chấp thuận của phụ huynh với việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi.
"Tỷ lệ chấp thuận khác nhau, dao động từ 60-80%. Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, đồng thời tập huấn cho các địa phương để các địa phương có thể chủ động khi vaccine về đến Việt Nam", ông Tuyên cho hay.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, chiều 3/4, Bộ Y tế đã làm việc với hai đơn vị là Đại sứ quán Australia và Giám đốc Pfizer tại Việt Nam, cùng thống nhất phương án đưa vaccine về Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể để triển khai tiêm cho trẻ em.
"Việt Nam đang cấp phép vaccine tiêm cho trẻ em 5-11 là Pfizer và Moderna. Dự kiến, nếu hoàn thành thủ tục nhanh nhất thì có thể đưa lô vaccine Moderna đầu tiên về Việt Nam vào ngày 10/5", Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm./.