Nhiều nơi ở Hà Nội lo ngại thiếu trường lớp
Mới đây vụ việc phụ huynh phải trải qua 2 vòng bốc thăm đầy may rủi để giành suất cho con vào trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhận được sự quan tâm của dư luận. Thực tế trong những năm gần đây, nhiều nơi tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, chung cư mọc lên như nấm song trường học không đáp ứng nhu cầu học tập khiến nhiều phụ huynh không khỏi "đau đầu" trong việc tìm kiếm trường cho con.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, Hà Nội thời gian qua nhiều toà nhà cao tầng được xây dựng. Trước vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết, nếu phủ kín các căn hộ trong Khu đô thị Thanh Hà thì ước tính sẽ có khoảng 20 vạn dân sinh sống và khi đó, nhu cầu về hạ tầng, cơ sở giáo dục của người dân là rất lớn.
Theo vị lãnh đạo này, đứng trước lo ngại thiếu trường thiếu lớp, cử tri trên địa bàn đã kiến nghị Hà Nội thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công.
Cụ thể, vào năm 2021, cử tri huyện Thanh Oai đã đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao hàng loạt điểm trường công lập theo quy hoạch tại Khu đô thị Thanh Hà cho huyện quản lý, đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các trường công lập để đảm bảo đủ trường, đủ lớp cho học sinh tại khu đô thị cũng như trên địa bàn xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.
Trước vấn đề này, trả lời cử tri, UBND TP Hà Nội cho hay, theo Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5, tỷ lệ 1/500 thì nơi đây có 23 ô đất quy hoạch để xây dựng trường học. Trong đó, 21 ô đất xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS; 2 ô đất xây dựng trường THPT.
Việc bàn giao đất xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có xây dựng trường học là điều kiện khi UBND tỉnh Hà Tây trước đây xem xét giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 21 điểm trường công lập chưa được đầu tư xây dựng.
Trước kiến nghị của cử tri, UBND TP Hà Nội hứa hẹn sẽ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và đôn đốc việc bàn giao toàn bộ các ô đất quy hoạch xây trường học để đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của cư dân. Tuy nhiên, sau hơn một năm trả lời kiến nghị nêu trên, lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai cho biết, đến nay mọi thứ vẫn yên ắng, đất bỏ không để cỏ mọc um tùm.
"Chúng tôi mong được thành phố giao lại đất để đầu tư công, xây trường, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân trên địa bàn. Huyện đã ý kiến về vấn đề này rất nhiều lần. Cử tri trên địa bàn cũng đã kiến nghị rất nhiều rồi. Rất mong thành phố với các Sở, ngành quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn nữa", lãnh đạo UBND huyện Thanh Oai bày tỏ.
Chủ đầu tư khu đô thị tất bật xây nhà, chậm xây trường
Không riêng gì huyện Thanh Oai, tại quận Hà Đông, Hà Nội, câu chuyện chủ đầu tư khu đô thị "mải mê xây nhà, quên xây trường" cũng diễn ra tương tự. Đầu tháng 6 vừa qua, tại buổi giám sát của Tổ đại biểu số 10 HĐND TP Hà Nội về công tác quản lý, triển khai thực hiện dự án xây dựng trường học tại các khu đô thị, lãnh đạo UBND quận Hà Đông đã dự báo 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng.
Theo báo cáo của các đơn vị, trên địa bàn quận Hà Đông có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị gồm: Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn, Khu đô thị mới Phú Lương, Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Văn Khê.
Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án còn chậm so với quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; việc đầu tư xây dựng trường học chưa theo kịp tiến độ xây dựng công trình nhà ở, chưa đáp ứng được nhu cầu về trường học trên địa bàn. Vì thế, đến nay mới đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, quận có hơn 47 km, dân số gần 50 vạn dân. Mỗi năm, số học sinh tăng từ 6.000 đến 7.000 học sinh, sĩ số trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ. Dự báo 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng, vì thế quận đề nghị các chủ đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hoàn thành xây dựng các dự án trường học theo quy định; các sở, ngành của thành phố cùng với quận có các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện các dự án trường học, để sớm hoàn thiện các trường, đưa vào phục vụ dạy học.
Kết luận buổi giám sát, Tổ trưởng Tổ đại biểu số 10 HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân đề nghị các chủ đầu tư phải chủ động hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xúc tiến hoàn thiện các dự án trường học.
Riêng với dự án xây dựng Trường mầm non Sao Khuê (Khu đô thị mới Văn Khê), Tổ đại biểu số 10 đề nghị chủ đầu tư khắc phục sai phạm, thực hiện theo hướng dẫn của các sở chuyên ngành của thành phố; chủ đầu tư 2 dự án trường học Khu đô thị mới Phú Lương sớm phối hợp với UBND quận Hà Đông để tháo gỡ vướng mắc về giếng khoan, đường dây cấp điện…nhằm sớm xây dựng, hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn 2023-2025.
Tổ đại biểu số 10 cũng đề nghị các sở, ngành chức năng của thành phố tiếp tục đồng hành, tham mưu, hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý; tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào đầu tư xây dựng các dự án trường học, từng bước đáp ứng nhu cầu đến lớp của học sinh địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, hiện áp lực về cơ sở hạ tầng, trường học trên địa bàn vẫn đáp ứng đủ. Theo quan điểm, vị này cho rằng, các khu đô thị không cần xây ồ ạt tất cả các điểm trường cùng một lúc vì có thể xảy ra tình trạng không có học sinh, gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan chuyên môn cần dự báo khu vực nào sẽ có dân cư tăng trưởng nhanh rồi tính toán xây trường học ở khu vực đó cho phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.
Chỉ thị nêu rõ, giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên một số địa phương còn nhiều hạn chế. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được chú trọng trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Tình trạng trường lớp học quá tải vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các đô thị lớn và các khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng như ở các vùng sâu, vùng xa. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ chậm được giải quyết...
Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề trường, lớp tại từng địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Đồng thời, tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em mầm non, học sinh phổ thông; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non, phổ thông ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập để giảm áp lực cho trường mầm non, phổ thông công lập, đặc biệt tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực đông dân cư.../.