Trường học áp lực

Mới đây, chuyện Trường mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội) phải tổ chức bốc thăm để phụ huynh giành suất học mầm non cho con làm nóng dư luận những ngày qua.

Sở dĩ trường này phải bốc thăm bởi không còn cách nào khác khi số hồ sơ nhận được gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh.

Năm học 2022-2023, UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho cả 3 lứa tuổi mầm non trên địa bàn phường.

boc-tham-5443-1661847932887-1661910598.jpg
Phiếu bốc thăm để giành suất học mầm non ở Trường tiểu học Hoàng Liệt (Ảnh: H. Cúc).

Tuy nhiên, tổng hồ sơ đăng ký vào trường này gần 1.000 trường hợp, trong đó ưu tiên 226 cháu 5 tuổi; còn các cháu 3, 4 tuổi, trường chỉ có khả năng đáp ứng 333 trong số 713 trẻ đăng ký. Như vậy, 380 cháu không được vào trường.

Sau sự việc hy hữu này, người thì mắng trường, người mắng ngành xây dựng, ngành giáo dục bởi vì sao để xảy ra tình trạng này. 

Nhiều người bốc thăm xong, dù rất buồn nhưng vẫn tếu táo: "Con vừa ăn xong bát bột đã phải "sốc" vì cú trượt mầm non đầu đời. Mới 3 tuổi, con tôi rơi vào cảm giác trượt tơi bời trong học tập".

Không riêng gì Hoàng Liệt, việc Hà Nội thiếu trường lớp hoặc có những lớp học đến hơn 60 học sinh ở Thủ đô là chuyện có từ nhiều năm nay.

Đặc biệt gần đây, Hà Nội ngày càng có nhiều "siêu phường" do sự phát triển nhanh chóng của những khu đô thị, những tòa chung cư chọc trời.

Những phường có số dân lên tới 70 nghìn hay 80 nghìn người, có những tòa cao ốc mà số dân ở đó gần tương đương một xã ở nơi khác không còn là chuyện hiếm.

Được biết khi còn là một xã thuộc huyện Thanh Trì, Hoàng Liệt chỉ có gần 14 nghìn người dân.

Thế nhưng thống kê mới nhất, Hoàng Liệt hiện có 85.000 dân số. Dù đã được xây thêm 1 trường tiểu học và 1 trường THCS, nâng tổng số trường học trên địa bàn lên con số 7 nhưng vẫn thiếu.

Trước đó vào khoảng tháng 7 vừa qua, lãnh đạo phường Hoàng Liệt cho biết, mỗi năm dân số phường Hoàng Liệt có thêm 2.000 công dân chào đời.

Cùng với việc nhiều chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng, sức ép lên hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục ở địa bàn này cực lớn.

Không còn cách nào khác, chính quyền địa phương và ngành giáo dục phải gồng mình lên lo việc học hành cho các em.

Tại quận Hà Đông, những năm trước địa bàn này mỗi năm tăng khoảng 6.000- 7.000 học sinh. Sự gia tăng nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số học sinh một lớp học trên địa bàn khá cao, trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ.

Vài năm trở lại đây, quận Hà Đông tăng mỗi năm dao động khoảng 2.500- 4.000 học sinh nên đỡ quá tải hơn trước đây.

Mặc dù vậy, con số tăng vài ba nghìn học sinh mỗi năm trong khi nhiều khu đô thị chưa xây trường cũng khiến trường học áp lực.

truong-tieu-hoc-chu-van-an-15365438749571487718371-1661848026795-1661910636.jpg
Nhiều quận tăng hàng nghìn học sinh mỗi năm khiến trường lớp quá tải (Ảnh: V. Anh).

"Xoay tua", học cả thứ 7 

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, dân số thành phố tăng nhanh, đặc biệt là tốc độ tăng dân số cơ học tại các quận lõi, quận đang phát triển đã gây sức ép rất lớn cho các trường học, không bảo đảm yêu cầu quy mô trường, lớp để đạt chuẩn quốc gia.

Thành phố hiện còn thiếu đất xây trường mới, để mở rộng trường bảo đảm diện tích đáp ứng quy định đạt chuẩn.

Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, hàng năm công tác xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp học ở địa bàn này đều được triển khai nhưng do tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh, ở nhiều trường có hiện tượng quá tải.

Trong khi đó tại quận Hà Đông, chia sẻ với PV Dân trí, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận cho biết, hiện địa bàn có 138 trường, trong đó 97 trường công lập và 38 đơn vị tư thục.

Để giảm tải, năm nay Hà Đông có thêm một trường mầm non và xây thêm đơn nguyên ở 4 trường, với khoảng 50 phòng học công lập.

Đặc biệt quận Hà Đông là một trong những địa bàn có số trường tư thục lớn nhất thành phố Hà Nội. Đây là giải pháp giảm sĩ số trường lớp, giảm áp lực cho khối trường công lập.

Theo quy hoạch, quận Hà Đông có 22 dự án trường học trong các khu đô thị mới, nhưng đến nay chỉ có 8 trường hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Việc chậm trễ trong đầu tư xây dựng khiến nhiều khu đô thị mới của quận thiếu trường học. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng này.

hoang-liet-2-15369702282261580002447-1661847912957-1661910671.jpg
Do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng (Ảnh: Đình Cường).

Tại quận Hoàng Mai, riêng năm học 2022-2023, quận này có thêm 5.430 học sinh, tương đương 100 phòng học.

Do dân số tăng quá nhanh nên việc xây trường mới không đủ để đáp ứng. Hiện nhiều trường trong quận đang phải "xoay tua", tổ chức cho học sinh học luân phiên cả vào ngày nghỉ cuối tuần. Một số trường phải tạm sử dụng các phòng chức năng làm phòng học

Ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai cho PV Dân trí biết, ngoài việc tăng học sinh, toàn quận Hoàng Mai hiện cũng thiếu khoảng 470 giáo viên.

Về trường lớp, tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh, theo ông Thái, quận này cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới "đủ tải".

Nguyên nhân của việc quá tải, theo ông Thái, do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn.

Đồng thời qua hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhóm mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn.

Cụ thể nếu những năm trước, quận có tổng 416 nhóm trường ngoài công lập, năm nay toàn quận chỉ còn 354 nhóm lớp, đóng cửa gần 70 nhóm lớp.

Một số nhóm lớp còn duy trì thì thiếu giáo viên nghiêm trọng, một phần vì nhà trường không đủ tiền thuê, một phần giáo viên mầm non cũng nghỉ việc vì lương quá thấp.

Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở ngoài công lập có phương án chăm lo, giảng dạy, nâng cao chất lượng cho học sinh để gánh đỡ cho trường mầm non công lập./.