Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 1/8 của Bộ NN&PTNT, nói về thông tin phản ánh phía sau lưng chốt cảnh sát giao thông tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị sạt lở đều là đất lâm nghiệp được trồng sầu riêng, ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, cho hay, nguyên nhân trước mắt của vụ việc được xác định do lượng mưa lớn kéo dài, vị trí thế đất thì cao mà thảm thực bì trồng sầu riêng năm 2019 khá yếu, cây sầu riêng không tăng cường độ che phủ.
Ông Lực cũng nhấn mạnh, quy định nêu rõ ở khu vực này phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển và lá không rụng theo mùa. Việc địa phương trồng sầu riêng tại rừng phòng hộ là không đúng quy định.
"Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 156 thi hành Luật Lâm nghiệp trong đó quy định rất rõ quy chế quản lý và sử dụng 3 loại rừng gồm đặc dụng, phòng hộ và sản xuất. Tại khu vực sạt lở là rừng phòng hộ. Ở khu vực này theo quy định phải trồng cây bản địa có bộ rễ phát triển và lá không rụng theo mùa. Tuy nhiên, địa phương lại trồng sầu riêng. Đây thuộc trách nhiệm của địa phương, phải quan tâm, quy hoạch, rà soát lại đất phòng hộ, trồng thì phải đúng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ đề ra”, lãnh đạo Cục Kiểm lâm nói.
Về vụ việc sạt lở nghiêm trọng tại địa phương này, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu UBND huyện Đạ Huoai kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng phía sau lưng trạm CSGT.
Thời điểm sạt lở, trạm CSGT đã bị 1/4 phần đất của vườn sầu riêng đổ ập xuống, vùi lấp. Sự cố khiến 3 CSGT và 1 người dân thiệt mạng. Cùng với đó, một số phương tiện của người dân cũng bị vùi lấp.
Sau khi xảy ra sự cố, nhiều người đặt thắc mắc, có hay không việc chặt bỏ cây rừng để trồng sầu riêng đã tác động, khiến khu đất sạt lở. Trước những thông tin này, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra tính pháp lý vườn sầu riêng để làm rõ nguyên nhân vụ sạt lở.
Sầu riêng mới được trồng từ năm 2019 đến nay, trước đó là đất canh tác loại cây trồng khác. Diện tích vườn sầu riêng khoảng 1,2 ha.