Tài xế Võ Minh Bằng, 52 tuổi, kể trưa 30/7 lái xe 45 chỗ chở 36 học sinh tiểu học cùng phụ huynh, giáo viên đi du lịch ở Đà Lạt trở về huyện Hóc Môn, TP HCM. Lúc này trời mưa nặng hạt, xe chạy 20 km/h chuẩn bị đổ đèo. Đến trước Trạm CSGT Madagui, ông bất ngờ nghe tiếng ầm ầm, đất đá đập vào bên mạn phải ôtô.

"Trong vài giây xe bị một lực rất lớn đẩy qua bên kia làn đường, đuôi xe húc đổ dải phân cách ngã xuống bờ vực sâu hơn 200 m, phía dưới là dòng suối chảy qua", ông Bằng nói.

r-1690943743.jpg
Khách trên xe hốt hoảng ở thời điểm đất đá trên đồi sạt lở. Ảnh: Camera giám sát hành trình

Nhiều hành khách ngồi ở giữa và đuôi ôtô hoảng loạn chạy dồn về phía đầu xe để giảm sức nặng tránh xe trôi xuống phía dưới. Lúc này, nam tài xế hô hoán "chạy xuống hết". Một số khách mở cửa chạy ra ngoài, có người đập kính cửa sổ đầu xe bế con chui ra đường.

Sau khi hỗ trợ khách thoát khỏi xe, ông Bằng nhìn về hướng trạm CSGT Madugui, thấy trụ sở bị đất đá đè sụp mái tôn, nhiều bức tường, gạch đổ. Núi đất đỏ vùi lấp nhiều ôtô bên cạnh các thanh sắt làm cột nhà đã bị cong vênh.

Từ trong khe hở ở đống đổ nát, ông nghe tiếng kêu cứu nên đã chạy đến tiếp cận. Lúc này, một CSGT đã chui thoát ngoài, quần áo bị rách, dính đầy bùn đất. Còn một chiến sĩ cùng người phụ nữ bị đè dưới bức tường gần ô cửa. Ông lấy đá đập bức tường để mở rộng ô cửa cho hai nạn nhân chui ra ngoài.

rr-1690943771.jpg
Ôtô 45 chỗ (màu trắng) chở học sinh bị đất sạt lở ủi suýt rơi xuống vực. Ảnh: Phước Tuấn

"Lúc thoát ra ngoài họ bị trầy xước khắp người, liên tục cầu cứu cho những người còn kẹt lại", nam tài xế kể. Tất cả hành khách sau đó được nhà xe điều phương tiện khác đưa khỏi hiện trường.

Hàng nghìn tấn đất đá trên quả đồi cao mấy chục mét đổ ụp xuống sau mưa lớn đã khiến ba cảnh sát và một người dân có mặt ở trạm CSGT tử vong.

Bán nước giải khát cạnh trạm, ông Mạnh, 65 tuổi, cho biết hôm đó trời mưa cả ngày. Khi đang ngồi trong nhà, ông nghe tiếng rầm, đất đá từ một khoảng đồi trượt xuống như thác đổ lên trụ sở CSGT. Ông vội chạy đến hiện trường nhưng bị đống đất đá kèm bùn nhão cao chừng 3 m chắn ngang đường.

Lúc này, ba chiến sĩ từ bên trong trạm chạy ra ngoài, hô hoán bảo còn nhiều cán bộ bị mắc kẹt bên trong đống đổ nát. Mọi người chạy đến hiện trường thấy nhiều đồ đạc bị đất vùi lấp. Tất cả đều nghĩ nạn nhân bị đất đá lấp khó sống sót, song vẫn kêu lên, đáp lại chỉ là không gian im ắng.

Sống tại đây 34 năm, ông Mạnh cho biết lần đầu tiên thấy cảnh sạt lở kinh hoàng như vậy. "Đèo Bảo Lộc năm nào cũng sạt lở, kẹt xe, ùn tắc nhưng đây là trận sạt nghiêm trọng nhất mà tôi chứng kiến, đến giờ vẫn còn ám ảnh", ông nói.

e-1690943791.jpg
Ông Mạnh kể lại câu chuyện lúc sạt lở núi. Ảnh: Phước Tuấn

Là người huy động xe múc, xe ủi đến hiện trường đầu tiên để tìm kiếm nạn nhân, ông Đỗ Văn Quốc, chủ doanh nghiệp xây dựng ở gần đó, cho biết núi đất đá khi đó đã chất đống cao hơn 3 m, trải dài 50 m. Sau tai nạn, trời mưa xối xả khiến bùn đất từ phía trên theo dòng nước trút xuống liên tục.

Giữa vùng sạt lở rộng gần 300 m2, hơn 20 phương tiện, thiết bị đào bới trong lớp bùn nhão đặc quánh. Gần 200 người thuộc nhiều lực lượng được huy động đến tìm kiếm nạn nhân. Đến 12h hôm qua, tức là sau một ngày xảy ra sự cố, thi thể nạn nhân cuối cùng mới được tìm thấy.

Trạm CSGT Madagui có lưng dựa vào khu vực đồi, phía trên trồng sầu riêng, thuộc thị trấn Đạ M’ri, huyện Đa Hoai. Khu vực này có hình nón, có mảng xanh ít hơn, nằm giữa rừng với nhiều cây lớn. Chủ sở hữu khu đất từng trồng cà phê, mít, bơ sau đó đổi sang sầu riêng vài năm gần đây.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, hai ngày trước sự cố, địa bàn chịu ảnh hưởng gió mùa Tây Nam nên có mưa lớn và giông kéo dài. Tại khu vực đèo Bảo Lộc lượng mưa đo được từ tối 29/7 đến 15h ngày 30/7 là trên 190 mm. Đây được cho là nguyên nhân khiến nền đất bị yếu, dẫn đến sạt lở đèo.

e-1690943813.jpg
Vị trí trạm CSGT Madagui trên đèo Bảo Lộc. Đồ họa: Thanh Huyền

Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, hai làn xe, nằm trên quốc lộ 20, với nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, tạo nguy hiểm cho xe đi qua. Đây là tuyến huyết mạch nối TP HCM, Đồng Nai lên Đà Lạt nên đông xe. Sau khi sự cố xảy ra, tuyến đường qua đèo bị đóng, mới thông xe sáng nay sau khi cứu hộ giải phóng hiện trường.