Bộ Y tế thông tin, tính từ 19h30 ngày 21/7 đến 6h ngày 22/7, ca nước ghi nhận có 2.967 ca mắc mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 2965 ca ghi nhận trong nước.
TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 2.433 ca, tiếp đến là Long An (233), Bình Dương (64), Đồng Nai (53), Tiền Giang (41), Vĩnh Long (38), Bến Tre (28), Đà Nẵng (27), An Giang (15), Kiên Giang (10), Hậu Giang (5), Bình Phước (5), Hải Phòng (3), Cần Thơ (3), Hà Nội (2), Sơn La (2), Quảng Bình (2), Huế (1) trong đó có 181 ca trong cộng đồng.
Từ khi dịch xảy ra, Quảng Bình đã ghi nhận 2 ca mắc đầu tiên, đều là các F1, đã được cách ly.
Như vậy, tính đến sáng ngày 22/7, Việt Nam có tổng cộng 71.144 ca mắc, trong đó có 2.101 ca nhập cảnh và 69.043 ca mắc trong nước.
Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 67.473 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.
Tình hình điều trị, tổng số ca được điều trị khỏi 11.971 ca; 123 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU; 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO.
Số lượng xét nghiệm trong ngày 21/7 là 93.160 cho 367.921 lượt người. Tính từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.754.692 mẫu cho 12.853.317 lượt người.
Đến nay, tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm là 4.367.939 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.042.984 liều, tiêm mũi 2 là 324.955 liều.
Sẵn sàng thu dung ca bệnh khi dịch Covid-19 lan rộng
Trước tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, tốc độ và mức độ lan truyền nhanh, gia tăng nhanh chóng về số ca mắc tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, để bảo đảm việc thu dung điều trị ca bệnh COVID-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phối hợp chỉ đạo thực hiện:
Thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động… với trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân và thuốc thiết yếu.
Các tỉnh, thành phố chuẩn bị ngay phương án huy động toàn bộ các bệnh viện tuyến quận, huyện; bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tỉnh; bệnh viện tư nhân, bệnh viện của các bộ, ngành, trường đại học… để thu dung và điều trị cho nhóm bệnh nhân vừa và nặng; Phải lắp bổ sung đủ hệ thống cấp ô xy, có sẵn sàng các bồn chứa ô xy lỏng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này.
Chủ động rà soát và bảo đảm nhân lực; danh mục và cơ số trang thiết bị, vật tư tiêu hao, ô xy y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc thiết yếu; thiết bị, kít xét nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm sẵn sàng đáp ứng khi diễn biến dịch gia tăng tại các địa phương.